Công nhân tại Công ty TNHH Ba Sương - Long Mỹ khẩn trương chuẩn bị cho những đơn hàng cuối năm.
Lo sức mua tăng yếu
Với dự báo người tiêu dùng sẽ không thoải mái mua sắm trong dịp tết này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên kế hoạch chuẩn bị hàng tết nhưng vẫn tỏ ra khá dè dặt. Ông Lưu Vĩnh Thuận, Chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Song Phụng, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: Do sản xuất và kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo như kẹo đậu phộng, kẹo gạo lứt hạt điều,… là những sản phẩm được ưa chuộng vào dịp tết nên mọi năm từ tháng 10 âm lịch, cơ sở luôn trong tư thế làm không kịp trả đơn hàng cho khách. Nhưng năm nay, dù đã đẩy mạnh tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách như trực tiếp và trực tuyến thì đầu ra vẫn chưa được như cùng kỳ của mọi năm.
“Đến thời điểm này sức mua vẫn chậm nên đơn hàng cho dịp cuối năm giảm khoảng 30% so với những năm trước. Nếu những năm trước, tết là thời điểm “vàng” tiêu thụ với mức tăng hơn 50% so với ngày thường thì năm nay con số đó chỉ khoảng 20%. Chúng tôi không dám mạnh dạn sản xuất quá nhiều do lượng hàng tồn vẫn còn. Nhiều đơn vị bán lẻ nhập hàng từ cơ sở cũng than ế vì lượng tiêu thụ của khách hàng chậm hơn năm ngoái”, ông Thuận chia sẻ thêm.
Có thể thấy, do sức mua của thị trường tiêu dùng chưa có sự đột biến nên các nhà bán lẻ ít nhiều có sự dè chừng trong việc dự trữ hàng hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình thị trường bán lẻ sẽ còn khó khăn do nhiều nhà cung cấp tăng giá, việc này sẽ tác động đến sức mua.
Dù Tết Nguyên đán là thời điểm mua sắm lớn trong năm nhưng những khó khăn của người tiêu dùng trong nền kinh tế hiện nay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng sức mua chung của thị trường. Theo dự báo, thị trường tết 2024, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ồ ạt mà sẽ mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm.
Sẵn sàng cho mùa cao điểm
Thời điểm này, không khí làm việc tại nhà xưởng của Công ty TNHH Ba Sương - Long Mỹ, ở thị xã Long Mỹ, đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Sương - Long Mỹ, cho biết từ hơn 1 tháng trước, công ty đã triển khai chuẩn bị nguồn vốn, dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau tết.
“Mỗi tháng, công ty thu mua từ 300-500 tấn trái cây các loại để chế biến. Phục vụ thị trường tết năm nay, công ty nhập nguyên liệu gấp đôi so với ngày thường để đảm bảo cho các đơn hàng. Lúc đầu, chúng tôi dự kiến số lượng đơn hàng tăng 1,5 lần nhưng từ tháng 11, lượng đơn hàng đã tăng gấp 2 lần và có thể tiếp tục tăng vào thời điểm cận tết”.
Để chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm, công ty còn tuyển thêm công nhân làm thời vụ, khuyến khích công nhân tăng ca để tăng tối đa lượng sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, công ty sản xuất được khoảng 200 tấn sản phẩm. Được biết, bên cạnh thị trường nội địa thì 4 sản phẩm chủ lực gồm có xoài sấy dẻo, đu đủ sấy dẻo, khóm sấy dẻo, xoài sấy dẻo muối ớt cũng được tiêu thụ ở các thị trường Đông Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…
Được đánh giá là năm kinh tế có nhiều biến động, sức mua có khả năng tăng yếu, do đó, để kích cầu tiêu dùng cuối năm, ngành chức năng sẽ tập trung kiểm soát giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường và làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng “chạy” các chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ thương mại, phiên chợ hàng Việt về nông thôn để lưu thông nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng...
Theo Y.LINH (Báo Hậu Giang)