Nông dân Hậu Giang đang đẩy mạnh thu hoạch lúa Hè thu. Ảnh: H.THU
Nông dân đảm bảo lợi nhuận
Đang bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa Hè thu năm 2023 trong điều kiện giá tăng và dễ tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Hậu Giang phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Trang, ở huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm nay lúa Hè thu cắt tới đâu là thương lái đưa ghe đến cân ngay tại ruộng và trả tiền liền nên nông dân rất vui. Gần 2ha lúa của gia đình vừa thu hoạch với năng suất 6,3 tấn/ha, bán tại ruộng 6.600 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn vụ Hè thu trước…”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ Hè thu này bà con xuống giống hơn 75.400ha (vượt kế hoạch là 74.500ha), đến nay đã thu hoạch hơn 52.000ha và đang đẩy mạnh thu hoạch trong những ngày tới. Nhờ thị trường lúa gạo sôi động nên bà con khi thu hoạch xong lúa Hè thu là vệ sinh đồng ruộng, làm đất… để gieo sạ tiếp vụ lúa Thu đông. Ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A… đã có hơn 16.000ha lúa Thu đông được gieo sạ.
Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong niềm vui được mùa được giá lúa. Ảnh: H.TÂN
Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nông dân vui mừng khi giá lúa cao và thương lái ráo riết tìm mua để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Cao Thọ Trường, ở xã Bình Thành (huyện Lấp Vò), bộc bạch: “Hơn 2ha lúa của gia đình được sản xuất giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, vừa thu hoạch là có thương lái mua tại ruộng với giá 6.700-6.800 đồng/kg; trừ chi phí còn lãi hơn 25 triệu đồng/ha. Vụ Hè thu mà lợi nhuận như vầy là tốt rồi”.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), vụ này khoảng 900ha đất lúa của HTX được sản xuất giống chất lượng cao hơn 90%; năng suất đạt 6,2-6,5 tấn/ha; giá bán dao động từ 6.600-6.800 đồng/kg (không thua vụ Đông xuân). Thêm thuận lợi là giá phân bón giảm khá mạnh (từ 20-40% tùy loại phân), nhờ đó chi phí đầu tư được giảm đáng kể, trong khi giá bán lúa lại tăng, nên bà con đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. “Qua nắm bắt thông tin từ các ngành chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới đang mạnh, giá cao và nhiều triển vọng trong những tháng tới; do đó HTX vừa động viên bà con xã viên tích cực chăm sóc lúa Thu đông thật tốt với mục tiêu “được mùa, được giá”. Chúng tôi dự đoán vụ Thu đông tới đây giá lúa còn tăng thêm nữa, trong khi giá vật tư tiếp tục giảm, điều này cho thấy lợi nhuận sẽ hấp dẫn. Nhiều khả năng 2023 sẽ là năm “được mùa, được giá” cho cả 3 vụ lúa Đông xuân, Hè thu và Thu đông”, ông Nguyễn Văn Đời kỳ vọng.
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa Thu đông gieo sạ hơn một tháng tuổi, chị Lâm Thị Út, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, cho hay: “Nhờ thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên mấy ngày qua nhiều thương lái kéo về đặt cọc trước để mua lúa Thu đông với giá bình quân 6.700 đồng/kg; mức này là rất cao so với những vụ trước, giúp nông dân cầm chắc lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha trở lên”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè thu năm 2023 toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 1,47 triệu héc-ta, đến nay đã thu hoạch khoảng 30-40% diện tích. Đối với vụ Thu đông kế hoạch gieo sạ 700.000ha, nhờ lúa có giá nên những ngày qua nông dân đã xuống giống khoảng 250.000ha…
Tiếp vốn để tăng xuất khẩu gạo
Nếu như nông dân đồng bằng sông Cửu Long tích cực sản xuất lúa hàng hóa thì nhiều doanh nghiệp cũng tất bật thu mua, lau bóng gạo phục vụ xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, đặc biệt là những tháng cuối năm, nhờ thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… dự báo tăng việc mua gạo. Đối với Indonesia cũng tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và còn mua thêm; như vậy giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là sẽ không giảm.
Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã xuất hơn 353.000 tấn, giá trị khoảng 183 triệu USD (tăng 27,23% về lượng và 30% về giá trị so cùng kỳ); giá xuất khẩu bình quân đạt 517 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn. Thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo”. Sở Công thương tỉnh Long An phối hợp các ngành liên quan để tham mưu với UBND tỉnh xây dựng lại vùng trồng lúa hợp lý, tiêu chuẩn chất lượng cho từng thị trường; hướng dẫn người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Nhựt Quang, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Gia Nhựt Quang (Long An), phấn khởi với kết quả xuất khẩu gạo những tháng đầu năm, khi công ty xuất hơn 10.000 tấn gạo, tăng khoảng 2.000 tấn và giá tăng từ 10-20 USD/tấn so cùng kỳ. Ông Nguyễn Nhựt Quang cho rằng, dù thị trường xuất khẩu thuận lợi, nhưng để bền vững thì doanh nghiệp phải nỗ lực trong đảm bảo chất lượng. Làm tốt điều này, doanh nghiệp đang phối hợp chặt với các HTX nhằm sản xuất lúa đạt năng suất tốt, chất lượng cao. Mặt khác, cần ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để thu mua kịp thời lúa cho nông dân và tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu…
Tại Đồng Tháp, Sở Công thương tỉnh này cho hay, với 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo trên địa bàn; trong 6 tháng đầu năm 2023 đã xuất khoảng 263.000 tấn gạo, giá trị 153 triệu USD; tăng 54% về lượng và tăng 72% về giá trị so cùng kỳ. Với chiều hướng tốt hiện nay, dự báo cả năm 2023, Đồng Tháp xuất hơn 338.000 tấn gạo, giá trị hơn 232 triệu USD. Theo Sở Công thương tỉnh An Giang tiết lộ: “Các doanh nghiệp của tỉnh đang xuất khẩu gạo sang khoảng 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; sản lượng xuất 6 tháng đầu năm trên 290.000 tấn, giá trị 159 triệu USD; tăng 8,3% về sản lượng và tăng 9,5% về giá trị. Hiện nhiều nước đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc… và một số thị trường mới mở ở Trung Đông, tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn về xuất khẩu gạo và dự báo trong ngắn hạn giá gạo vẫn tiếp tục tăng”.
Bên cạnh nỗ lực trong sản xuất, thu mua, chế biến… nhằm tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu gạo thì nhiều doanh nghiệp băn khoăn về thiếu vốn, lãi suất cao... Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ), tiết lộ: “Chúng tôi đang liên kết với nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 10.000ha lúa cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn, nhằm xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Giá trị của mô hình liên kết này khá lớn bởi gạo tiêu chuẩn được bán rất cao từ 500-1.500 USD/tấn; song doanh nghiệp vẫn luôn cần hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ để mua lúa cho nông dân, vấn đề này rất cần ngân hàng giúp sức. Song, thực tế sự “đồng hành” của ngân hàng trong xây dựng cánh đồng lớn, thu mua lúa, xuất khẩu gạo vẫn còn hạn chế…”.
Lãnh đạo Sở Công thương thành phố Cần Thơ nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, chế biến và lau bóng gạo đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là tiếp cận vốn, ký các hợp đồng vay để thu mua lúa của nông dân. Sở Công thương đang ghi nhận để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu gạo, bởi đây là lĩnh vực quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ và của thành phố Cần Thơ.
Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo và gia tăng xuất khẩu… Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, sẽ sớm trao đổi với Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay. Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” mà Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các địa phương thực hiện…
Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Xây dựng cơ sở hạ tầng (công nghệ sau thu hoạch, kho chứa bảo quản sản phẩm), đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo, nâng giá thành xuất khẩu... Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi.. và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ… Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành XTTM gạo vào các thị trường nhập khẩu...
Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)