Hậu Giang: Tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng

20/03/2023 - 09:51

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 là thời gian cao điểm của mùa khô, do đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được các chủ rừng trong tỉnh chủ động phòng chống.

Ông Trương Cảnh Tuyên (bìa phải), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thực hiện kiểm tra công tác PCCCR tại khu bảo tồn.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền

Qua rà soát mới đây của ngành chức năng tỉnh, hiện diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh là 5.541ha, trong đó đất có rừng 3.776ha, gồm rừng đặc dụng 1.482ha và rừng sản xuất 2.293ha. Rừng của tỉnh Hậu Giang tuy có diện tích không lớn nhưng có chức năng phòng hộ cho sản xuất, bảo vệ môi trường, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời còn góp phần làm tăng độ che phủ rừng cho khu vực ĐBSCL. Do đó, công tác PCCCR vào mùa khô hàng năm luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở và chủ rừng.

Công tác phối hợp liên ngành trong tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR đang được Hậu Giang thực hiện quyết liệt.

Điển hình tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn), đây là đơn vị có diện tích đất rừng lớn nhất của tỉnh với 2.712ha, trong đó đất có rừng là 1.482ha. Với mục tiêu bảo vệ tốt diện tích đất rừng nên ngay từ đầu mùa khô đến nay, khu bảo tồn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong PCCCR tại đơn vị.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, thông tin: Từ đầu mùa khô đến nay, tuy có xuất hiện vài cơn mưa trái mùa nhưng tình hình nắng nóng luôn diễn ra gay gắt, điển hình là vào thời điểm này có ngày nhiệt độ ngoài trời cao hơn 32 độ C. Bên cạnh đó, qua kiểm tra rừng mới đây tại đơn vị thì những vùng trũng vẫn còn nước dưới chân rừng, nhưng ở khu vực gò cao thì nước đã cạn. Ngoài ra, tuy dây leo trên cây rừng hiện vẫn còn xanh lá nhưng thực bì dưới chân rừng đã khô. Với đặc điểm tại khu bảo tồn là diện tích rừng do không được tác động nên thực bì phát triển mạnh, tích tụ trong nhiều năm, đến mùa khô sẽ tạo thành lớp vật liệu dễ cháy dưới chân rừng. Trước tình hình trên, đơn vị đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp trong PCCCR theo phương án đã đề ra nhằm chủ động ứng phó trước mọi tình huống khi đang vào cao điểm của mùa khô.

Theo đó, một trong những giải pháp được xem là then chốt được khu bảo tồn cũng như nhiều chủ rừng khác trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện xuyên suốt cả mùa khô là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và sự chung sức của người dân về PCCCR, nhất là tại những địa bàn giáp ranh với đất rừng.

Song song với công tác tuyên truyền thì hiện khu bảo tồn và các chủ rừng trong tỉnh đã và đang lắp đặt pano tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR ở các đầu mối giao thông giáp ranh rừng; dựng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng ở từng khu rừng; cắm các bảng cấm lửa, bảng cấm vào rừng ở những nơi rừng tiếp giáp khu vực dân cư, đường liên xã, ấp. Bên cạnh đó là triển khai nạo vét, dọn luồng hệ thống kênh mương thông thoáng nhằm trữ nước trong các khu rừng; đồng thời tu sửa các cống, đập giữ nước, các chốt bảo vệ rừng, cũng như sửa chữa các tháp canh lửa, phát dọn thực bì bờ kênh, hình thành các đường ranh vừa cản lửa vừa phục vụ cho tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, thông tin thêm: Một trong những công việc rất quan trọng trong PCCCR hiện nay là đơn vị tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng để hạn chế người dân ra vào rừng trái phép, đồng thời đảm bảo công tác trực 5 camera quan sát toàn khu bảo tồn từ trên cao để kịp thời phát hiện khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó là thường xuyên thực hiện kiểm tra, tu sửa các trang thiết bị phục vụ PCCCR gồm 8 máy với 4.420m vòi chữa cháy, 4 máy bơm tràn, 10 bộ máy chạy vỏ lãi,… Qua đây, đảm bảo các thiết bị này luôn trong tư thế sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.

Tăng cường ứng trực

Cùng chia sẻ công việc tập trung cho công tác PCCCR vào thời gian này tại đơn vị, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân, cho hay: Hiện đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR với 8 thành viên; đồng thời lực lượng chữa cháy chuyên trách có 4 tổ với 19 thành viên và lực lượng quần chúng tham gia chữa cháy có 3 tổ với 103 thành viên. Những lực lượng trên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tiến hành khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để ưu tiên theo dõi và tập trung các giải pháp phòng ngừa từ xa hiệu quả.

Cùng với các chủ rừng thì công tác PCCCR cũng luôn nhận được sự vào cuộc tích cực từ ngành kiểm lâm từ tỉnh đến cơ sở. Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong cao điểm mùa khô từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường điều động trên 90% lực lượng tổ ứng trực cháy rừng xuống trực tiếp địa bàn các xã, phường, thị trấn và các khu rừng để cùng phối hợp tuần tra, ứng trực cháy rừng và hỗ trợ công tác PCCCR tại địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Ngoài công tác trên thì đơn vị còn thực hiện khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên bản đồ để phục vụ công tác đi thực địa; đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cũng như ứng dụng Windy.com, Firms kết hợp phương pháp kiểm tra mục trắc ẩm độ vật liệu cháy trong rừng và công tác cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm để phân tích, xác định cấp dự báo cháy rừng theo từng thời điểm sát với tình hình thực tế của địa phương. Qua công tác thông tin dự báo và cảnh báo về cấp cháy rừng sẽ giúp các chủ rừng trong tỉnh thực hiện tốt việc PCCCR vào từng thời điểm. Cụ thể hiện nay đơn vị đang tham mưu Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2030 của tỉnh về việc nâng cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh từ cấp I (cấp thấp) lên cấp III (cấp cao) trong những ngày tới.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Thân, hiện công tác ứng trực cháy rừng được thực hiện xuyên suốt từ Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh đến Ban chỉ đạo huyện, xã, phường, thị trấn và các đơn vị chủ rừng, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ để tiếp nhận, tổng hợp thông tin cháy rừng báo cáo, thỉnh thị về trên theo quy định.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá cao tính chủ động trong PCCCR từ tỉnh đến cơ sở và chủ rừng đã thực hiện trong thời gian qua cũng như ở mùa khô hiện tại; trong đó đặc biệt khẳng định tầm quan trọng của việc tạo lập nhóm trên zalo với các thành viên là Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở và các chủ rừng trong tỉnh nên khi có sự việc liên quan đến PCCCR được thông báo lên nhóm thì có sự chỉ đạo kịp thời và thông suốt từ trên xuống dưới. Riêng mùa khô năm nay đang vào thời gian cao điểm nên đề nghị các ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở và các chủ rừng cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp PCCCR theo kế hoạch, phương án đã đề ra; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý và PCCCR. Trên tinh thần chủ động, quyết tâm, Hậu Giang đảm bảo giữ vững diện tích rừng.

Theo Báo Hậu Giang