Hậu Giang: Tiềm năng và cơ hội phát triển công, nông nghiệp TP Vị Thanh

12/06/2023 - 09:56

Để thực hiện thắng lợi các trụ cột phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) huy động mọi nguồn lực và kêu gọi đầu tư phát triển toàn diện, từng bước xây dựng và phát triển thành phố thông minh, hiện đại và thân thiện.

Một góc khu đô thị mới Vị Thanh.

Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) TP Vị Thanh với hơn 653 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, gia công và chế biến, tổng giá trị sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 thực hiện trên 797 tỉ đồng, đạt 40,89% kế hoạch năm, tăng 28,86% so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố có Cụm CN-TTCN nằm trên địa bàn phường 7 với diện tích  62,5ha, đến nay thu hút được 21 doanh nghiệp đang hoạt động với diện tích 34,12ha, tổng vốn đầu tư trên 1.698 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động.

TP Vị Thanh được tỉnh cho chủ trương thực hiện dự án mở rộng Cụm CN-TTCN (giai đoạn 3) với diện tích 11,5ha, vốn đầu tư mở rộng 50 tỉ đồng, đã có 4 đơn vị đăng ký tiếp cận thực hiện dự án. Thành phố tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm CN-TTCN với các ngành nghề thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Ban quản lý Cụm CN-TTCN thành phố, cho biết: “Chúng tôi trải thảm mời gọi đầu tư vào Cụm CN-TTCN, tranh thủ với thành phố và tỉnh có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư vào Cụm CN-TTCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp lấp đầy Cụm CN-TTCN, kể cả phần mở rộng giai đoạn 3…”.

Thành phố có hơn 11.700ha đất trồng lúa cả năm, năng suất bình quân hơn 6,2 tấn/ha/vụ, xây dựng các vùng canh tác lúa chất lượng cao ở xã Vị Tân, Hỏa Lựu và phường 3… áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất và chất lượng lúa.

Song song với cây lúa thành phố chú trọng phát triển cây khóm, đây là loại cây trồng đặc sản của TP Vị Thanh, với thương hiệu khóm Cầu Đúc nổi danh cả nước, diện tích canh tác hàng năm hơn 2.400ha, năng suất bình quân 16,7 tấn/ha. Trong đó xã Hỏa Tiến là địa phương chuyên canh khóm với diện tích cao nhất 1.200ha, xã phát triển mô hình trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản và du lịch cộng đồng… Ngoài cây khóm thì con cá thát lát là một đặc sản không thể thiếu của Hậu Giang nói chung và TP Vị Thanh nói riêng. Tháng 7-2022 tại Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang” 2 đặc sản của Vị Thanh là khóm Cầu Đúc và cá thát lát xác lập kỷ lục Việt Nam với tổng số 218 món ăn được chế biến từ cá thát lát và khóm Cầu Đúc, vượt xa kỳ vọng ban đầu chỉ là 200 món ăn. Việc được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) công nhận 2 kỷ lục là cơ hội để khóm và cá thát lát Hậu Giang nói chung và TP Vị Thanh nói riêng tiếp tục vươn xa, được đông đảo thực khác trong và ngoài nước biết đến.

Xác định công tác chỉnh trang mở rộng đô thị Vị Thanh theo hướng hiện đại, thân thiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó công tác kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển mới các khu dân cư, khu đô thị kết hợp thương mại dịch vụ luôn được mời chào. Hiện nay TP Vị Thanh có 37 dự án khu dân cư thương mại, khu đô thị mới. Trong đó có 4 dự án hoàn thành và 6 dự án đang triển khai, các dự án còn lại đang lựa chọn nhà đầu tư và lập quy hoạch kêu gọi đầu tư với tổng diện tích thực hiện 250ha, với vốn đầu tư tương đương 2.300 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hữu Tình, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, chia sẻ:”Chúng tôi xác định mục tiêu phát triển đô thị mang tính quyết định cho việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt của nhiệm kỳ 2020-2025. Chúng tôi đang triển khai rốt ráo dự án nâng cấp đô thị, tiểu dự án TP Vị Thanh, giai đoạn 2020-2023 với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đạt được mục tiêu xây dựng TP Vị Thanh hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường”.

TP Vị Thanh xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, để thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng du lịch đặc thù của địa phương. Thế mạnh du lịch của địa phương là khai thác du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến và du lịch tâm linh. Thành phố hiện có 4 nhà thờ thiên chúa, tin lành, 10 chùa phật giáo, 4 chùa Khmer và Quan Đế miếu, trong đó nổi bật là Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện ở địa bàn phường 5 với diện tích 144.000m2 trưng bày nhiều hiện vật máy bay, xe tăng, tàu chiến, đạn, pháo… Kế đến là chùa Phổ Minh ở phường 4 được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh là địa chỉ đỏ, nơi đây đang được xây dựng nâng cấp bảo tồn, tạo điểm nhấn về du lịch tâm linh, chùa Bảo Tịnh phường 7 được công nhận khu văn hóa nhà chùa cấp thành phố, cũng đang được đầu tư nâng cấp rất khang trang thu hút mọi người đến tham quan.

Ngoài ra thành phố còn 3 địa điểm có tiềm năng đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch là khu hồ Đại Hàn có diện tích có diện tích gần 33ha, kế đến là khu Hồ Sen diện tích 15ha và địa điểm thứ 3 là khu du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng Kênh Lầu thuộc ấp Thạnh An xã Hỏa Tiến với diện tích 15,4ha. Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND TP Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn thành phố khảo sát tiềm năng về du lịch, để hợp tác cùng khai thác các địa điểm có khả năng phát triển du lịch nhằm thu hút du khách đến với địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia, du lịch làng nghề…”.

Có thể nói 4 trụ cột phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 của TP Vị Thanh là tiềm năng và cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội để đầu tư, xây dựng phát triển đô thị Vị Thanh xứng tầm.

Theo HOÀNG CHƯƠNG (Báo Cần Thơ)