Hậu Giang: Tin vụ lúa Đông xuân thắng lợi

27/01/2023 - 18:18

Với ước vọng mở đầu cho một năm sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa, được giá nên những ngày vừa qua, dù bận rộn vui xuân đón tết nhưng nông dân trong tỉnh vẫn không quên đồng ruộng mà phấn khởi ra đồng đầu năm.

Nông dân Hậu Giang đã và đang phấn khởi ra đồng đầu năm với mong muốn vụ mùa sản xuất đạt thắng lợi trên các mặt.

Theo chia sẻ của nhiều nông dân trong tỉnh thì ngay từ chiều mùng 1 tết, bà con đã tranh thủ ra đồng để thăm lúa, cũng như bón phân, phun thuốc phòng trị sinh vật gây hại nhằm bảo vệ tốt cho cây lúa. Rảo quanh thăm 1,5ha lúa Đông xuân của gia đình được hơn 50 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Vào ngày mùng 1 tết là ngay thời điểm ruộng lúa của tôi phải bón phân rước đòng đòng. Do đó, tranh thủ buổi sáng tôi đi chúc tết họ hàng thì buổi chiều tôi tiến hành bón phân cho cây lúa. Bởi đây là giai đoạn quan trọng, nếu bón phân trễ một, hai ngày thì có thể làm giảm năng suất lúa khi thu hoạch. Vì vậy, tôi đã mở đầu cho vụ sản xuất ngay từ sớm với kỳ vọng vụ lúa chính trong năm sẽ được trúng mùa, bán được giá”.

Cùng tâm trạng phấn khởi ra đồng đầu năm, ông Lê Thanh Hùng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đồng thời qua theo dõi thông tin từ báo, đài thì ngành nông nghiệp dự báo trong những ngày tết sẽ có lứa rầy cám nở rộ. Do đó, với việc canh tác giống lúa thơm ST 25 nên từ ngày mùng 1 tết đến nay, hôm nào tôi và nhiều bà con ở cánh đồng lúa nơi đây cũng đi thăm ruộng. Điều phấn khởi là hiện chưa ghi nhận sinh vật gây hại tấn công nên cây lúa đang phát triển tốt. Dù vậy, do lúa đang trong giai đoạn trổ bông nên sáng mùng 6 tết tôi đã phun cử thuốc đầu tiên cho hơn 2ha lúa Đông xuân của gia đình nhằm dưỡng bông, nuôi hạt, cũng như phòng ngừa một số dịch hại cho cây lúa ở giai đoạn quan trọng này, qua đây giúp cây lúa khỏe để cho năng suất cao nhất khi thu hoạch”.

Hiện nay, mặc dù không khí vui xuân đón Tết Quý Mão 2023 vẫn còn lan tỏa, nhưng qua ghi nhận thực tế vào sáng ngày 26-1 (mùng 5 tết), trên nhiều cánh đồng lúa Đông xuân của tỉnh, có không ít nông dân háo hức, hăng say ra đồng đầu năm với niềm tin vào một vụ mùa bội thu.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Đông xuân 2022-2023, hiện nông dân trong tỉnh xuống giống được 75.501ha. Vào thời điểm này, các trà lúa trên địa bàn tỉnh tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, với diện tích khoảng 66.000ha, giai đoạn mạ khoảng 1.800ha và giai đoạn trổ chín có khoảng 7.800ha.

Theo chia sẻ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thì trong những ngày vừa qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh có xuất hiện mưa trái mùa trên diện rộng, đồng thời ban đêm lạnh, còn vào sáng sớm có sương mù dày đặc. Từ điều kiện trên đã làm cho sinh vật gây hại trên cây lúa phát triển và gia tăng diện tích gây hại. Cụ thể, từ ngày 17 đến 23-1 vừa qua (tức từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 2 tết), toàn tỉnh ghi nhận có 2.452ha lúa Đông xuân bị nhiễm sinh vật gây hại, tăng 664ha so với thời điểm trước đó khoảng 10 ngày, chủ yếu là nhiễm nhẹ với một số sinh vật gây hại như: rầy nâu nhiễm 134ha, sâu cuốn lá nhiễm 212ha, chuột cắn phá gây hại 641ha, bệnh đạo ôn lá nhiễm 884ha. Đặc biệt, ghi nhận có gần 300ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng của người dân huyện Long Mỹ bị dịch hại muỗi hành tấn công, tăng gần 200ha so với thời điểm trước đó khoảng 10 ngày; tỷ lệ nhiễm muỗi hành từ 5-10% trên cùng diện tích canh tác.

Trước tình hình thời tiết đang có nhiều thuận lợi cho sinh vật gây hại trên lúa phát triển, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng thời gian vừa qua nông dân thực hiện tốt khuyến cáo vui xuân nhưng không quên đồng ruộng, đồng thời đã và đang tất bật ra đồng đầu năm là việc làm cần thiết để theo dõi và có biện pháp phòng trị các đối tượng dịch hại cho cây lúa được hiệu quả. Minh chứng là tuy tình hình dịch hại trên lúa trong những ngày vừa qua có gia tăng về diện tích nhưng nhờ bà con chủ động phòng ngừa từ sớm nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh lưu ý nông dân cần quan tâm theo dõi mật số rầy nâu và đối tượng muỗi hành trên đồng ruộng, cũng như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, sang năm 2023 này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) mà ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra là 3,05%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra thì một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng là sản xuất lúa. Theo đó, kế hoạch đề ra cho cây lúa trong năm 2023 là đạt tổng diện tích 174.000ha, trong đó ở vụ Đông xuân là 75.000ha, vụ Hè thu là 74.500ha và vụ Thu đông là 24.500ha. Năng suất lúa bình quân cả năm của tỉnh phấn đấu đạt khoảng 6,7 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Điều phấn khởi là đến thời điểm này của vụ lúa Đông xuân, chúng ta đã vượt hơn 500ha về diện tích xuống giống theo kế hoạch đề ra. Kết quả này sẽ tạo đà và động lực quan trọng vào những ngày đầu năm mới cho toàn ngành nông nghiệp của tỉnh trong việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tiếp theo để giúp nông dân canh tác lúa trúng mùa, có đầu ra ổn định và giá bán hợp lý...

Theo Báo Hậu Giang