Trong hoạt động hỗ trợ các mô hình, phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, năm 2021, các cấp hội đã phối hợp hỗ trợ 14 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt OCOP, trong đó có 2 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao, nâng tổng số toàn tỉnh có 35 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt chuẩn OCOP.
Thực hiện Đề án 939, nhiều sản phẩn khởi nghiệp của phụ nữ trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các cấp hội còn phối hợp hỗ trợ vốn cho 176 phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp với tổng số tiền trên 5,3 tỉ đồng; phối hợp với Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế cho nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA, hỗ trợ 350 triệu đồng cho 7 ý tưởng khởi nghiệp của nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nhằm hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trong giai đoạn chuyển đổi số, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ký kết phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đưa sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ lên sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2021 (Lazada, Shopee, Tiki, Voso…). Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp hỗ trợ đưa 15 sản phẩm của 8 chủ thể lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đặc biệt, để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939, Tỉnh hội đã xây dựng được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (phối hợp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội) với tổng nguồn vốn 3 tỉ đồng, giải ngân đầu năm 2022. Nguồn vốn này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 939 trong những năm tiếp theo.
Theo Báo Hậu Giang