Hậu Giang: Trân trọng quá khứ bằng những việc làm thiết thực

25/02/2023 - 09:14

Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh đã và đang tiếp tục phát huy, phục vụ khách tham quan trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, về đất và người Hậu Giang.

A A

Các hiện vật được lưu giữ và bảo quản, chờ dịp giới thiệu với công chúng.

Giữ gìn và phát huy

Năm qua, Hậu Giang công nhận thêm 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nâng tổng số di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh là 17. Trong đó, có 1 di tích văn hóa - lịch sử quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống di tích đón tiếp gần 150 đoàn khách đến tham quan. Tính luôn các di tích và phòng truyền thống trong toàn tỉnh, đã đón khoảng 150.000 lượt khách, đạt gần 130% kế hoạch năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần tạo nên bức tranh sáng cho du lịch Hậu Giang. Thuyết minh viên Lê Ngọc Duyên, Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: ”Có khách tham quan, chúng tôi có dịp giới thiệu nét độc đáo của quê hương Hậu Giang, thông qua các di tích lịch sử - văn hóa, giúp du khách hiểu về truyền thống đấu tranh ngoan cường của quân và dân Hậu Giang qua từng giai đoạn lịch sử và Hậu Giang hôm nay đang ra sức vươn lên, vượt qua những khó khăn, thử thách”.

Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang còn chủ động tổ chức hơn 53 cuộc triển lãm ảnh thành tựu của tỉnh, ảnh chuyên đề, bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa, Hậu Giang xưa và nay qua tài liệu lưu trữ... ở các sự kiện trong tỉnh. Đặc biệt, là triển lãm hiện vật đang được cất giữ tại Bảo tàng tỉnh, nhân kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tham gia triển lãm tại các tỉnh, thành trong khu vực, tại các sự kiện văn hóa cấp khu vực, quốc gia...

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: ”Đây là cách chúng tôi giới thiệu các bộ sưu tập hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, để giới thiệu với mọi người. Chúng tôi còn quan tâm đến việc kiểm kê, bảo quản hiện vật định kỳ, lập kênh fanpage, youtube để quảng bá và đã thực hiện 12 video về di tích trên địa bàn để giới thiệu đến mọi người”.

Khơi nguồn...

Không chỉ giữ gìn và phát huy những di tích hiện có, những nơi đủ điều kiện để xây dựng thành những di tích lịch sử mới cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo ngành văn hóa tìm kiếm thông tin, tư liệu hoàn chỉnh hồ sơ, công nhận di tích khi đủ điều kiện. Điển hình như Di tích Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 đã được tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây được đầu tư khang trang, là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu về truyền thống hào hùng của quân dân ta.

Một số dự án di tích mới đang tiếp tục được tiến hành đầu tư để được công nhận trong thời gian tới, là Di tích Khu ủy, Quân khu ủy Khu 9, Nhà trưng bày cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khảo sát địa xây dựng Bia tưởng niệm nơi Trường Đảng miền Nam thành lập tại ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ... Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thêm: ”Những nơi ghi đậm dấu ấn, qua những chuyến đi thực tế ở cơ sở, qua những câu chuyện kể của các chú, các anh, chúng tôi luôn ghi nhận và thấy đủ cơ sở là đề xuất để được đầu tư. Mỗi lần làm hoàn thành một di tích, tôi thấy vui và hạnh phúc, vì đã góp phần làm sống lại những giá trị lịch sử quý báu”.

Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là một phần trong việc của bảo tàng. Hiện trong kho lưu trữ của Bảo tàng tỉnh vẫn còn hàng ngàn hiện vật đã được sưu tầm trong một khoảng thời gian dài, vẫn chưa có điều kiện để giới thiệu với công chúng. Bảo tàng tỉnh vẫn chưa được đầu tư, hiện phải ở tạm. Phòng chật hẹp, không đúng chức năng, nên phần lớn các hiện vật đều được bảo quản trong kho. Chỉ một số ít hiện vật được trưng bày tại các khu di tích trong tỉnh, để phục vụ du khách. Đây là nỗi buồn của những người làm công tác bảo tàng, khi họ chưa thể giới thiệu được với mọi người những di sản quý giá của cha ông, mang đậm dấu ấn của một thời mở cõi...

Theo Báo Hậu Giang