Hẹ bông - Cây màu giúp dân thoát nghèo bền vững ở vùng đất Tham Đôn

07/09/2020 - 10:20

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) đã tận dụng đất bờ bao, bờ kênh và đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây hẹ bông cho hiệu quả kinh tế cao. Đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ loại cây trồng này.

Về xã nông thôn mới Tham Đôn trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí lao động của bà con địa phương rất hăng say với những công việc như: nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… cho từng đám rẫy. Hỏi chuyện nuôi tôm, trồng lúa, trồng màu giúp dân thoát nghèo bền vững của địa phương, đồng chí Huỳnh Văn Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã phấn khởi báo tin vui: “Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhờ chí thú làm ăn mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vượt qua khó khăn, trong đó có rất nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ trồng cây hẹ bông”. Cũng theo thông tin từ đồng chí Bằng, tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng màu trên địa bàn toàn xã đạt trên 90% kế hoạch, với hơn 1.415ha rau màu các loại, gồm: bắp ve, hành, ớt… đặc biệt trong đó có hơn 280ha trồng cây hẹ bông theo hình thức chuyên canh và trồng xen canh, trồng trên bờ kênh thủy lợi.

Mô hình trồng hẹ bông đã giúp nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Tham Đôn thoát nghèo bền vững. Ảnh: QUANG BÌNH

Cùng với lãnh đạo Hội Nông dân xã, chúng tôi đến ấp Tắc Gồng để tìm hiểu về hiệu quả của cây hẹ bông và được đồng chí Lý Phol - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp vui mừng cho biết: “Trên địa bàn toàn ấp hiện có hơn 350 hộ dân, đại đa số bà con làm nông nghiệp. Ngoài việc trồng cây lúa truyền thống thì bà con còn trồng màu, đặc biệt là hẹ bông - đây được xem là cây màu giúp nông dân có được nguồn thu nhập ổn định”. Chia sẻ kinh nghiệm trồng hẹ bông với chúng tôi, nhiều nông dân ở đây cho biết, hẹ bông là loại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp (khoảng trên dưới 15 triệu đồng/công). Hẹ bông cho thu hoạch quanh năm, trong quá trình trồng, chăm sóc chỉ cần có nguồn nước tưới ổn định là được. Thông thường, từ tháng 10 (âm lịch) nông dân sẽ gieo hạt, sau khi hạt nảy mầm thành cây hẹ con thì được mang ra trồng trên các luống đất, khoảng hơn 2 đến 3 tháng sau, hẹ bông sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó người trồng sẽ dừng thu hoạch khoảng 1 tuần để bón phân, chăm sóc cho cây phục hồi, rồi tiếp tục thu hoạch.

Ông Lâm Hùng Lý, ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn hiện đang thu hoạch hẹ bông trên diện tích gần 1.400m2 và đám hẹ được ông đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Theo ông Lý, sau khi xuống giống 3 tháng là hẹ đã cho thu hoạch đợt lá và bông đầu tiên, thời gian thu hoạch hẹ kéo dài từ 2 đến 3 năm, rồi trồng lại. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý cho biết : “Từ lúc xuống giống (tháng 3-2020) đến nay, tôi đã thu hoạch được 8 - 9 đợt hẹ bông, đợt cao nhất là 85kg, thấp nhất cũng từ 5kg trở lên, với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khá cao. Ngoài ra, khi trồng hẹ bông thì bà con nông dân còn có thu nhập thêm từ hẹ lá, trung bình 3 tháng cắt lá một lần. Như vậy, với phần diện tích của gia đình thì vừa rồi tôi bán được hơn 1,3 tấn hẹ lá, với giá bán 13.000 đồng/kg nên cũng đem về nguồn thu nhập kha khá”. Đồng chí Hứa Trường Sử - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tham Đôn cho biết: “Hẹ là cây màu chủ lực cho hiệu quả kinh tế gia đình khá cao tại địa phương. Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm thì thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng hẹ để bà con nắm vững kỹ thuật áp dụng vào thực tế cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Theo ngành chuyên môn, hẹ bông dễ trồng, nhưng là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ, nhất là trong những ngày nắng nóng. Mỗi ngày phải tưới hẹ 2 lần vào buổi sáng và chiều, gặp hôm trời mưa thì không cần tưới. Mặc dù có đặc tính chịu nước nhưng hẹ bông dễ bị úng gốc nên nông dân trồng hẹ phải chú trọng khâu làm đất, phải lên luống cao để chống ngập úng. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi để kịp thời phun xịt thuốc phòng trừ bệnh, ảnh hưởng năng suất. Theo đồng chí Lâm Văn Long - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, tính đến cuối tháng 8-2020, diện tích gieo trồng màu trên địa bàn toàn huyện đạt 82,4% kế hoạch, với trên 5.606ha, trong đó, cây hẹ được xem là cây trồng chủ lực ở vùng chuyên canh màu, ổn định diện tích vài trăm hécta, tập trung ở xã Tham Đôn và Đại Tâm. Đặc biệt, trên địa bàn xã Tham Đôn thời gian qua có nhiều mô hình sản xuất rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình trồng hẹ. 1kg hẹ bông có giá bán từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng, sau khi trừ chi phí thì mỗi công trồng hẹ nông dân có lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm.

Đồng chí Huỳnh Văn Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tham Đôn cho biết thêm: “Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đến người dân; phối hợp với ngành chức năng các cấp thực hiện tốt công tác tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng cây hẹ bông. Các mô hình nuôi tôm, trồng lúa, trồng hẹ… hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,54% trong nhiệm kỳ trước xuống còn 1,83% (trong đó, hộ nghèo Khmer giảm còn 1,63%), vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra”.

Theo QUANG BÌNH (Báo Sóc Trăng)