Vụ đông xuân 2018-2019, thành phố xuống giống trên 81.200ha, đến nay, đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, để sản lượng lúa, gạo ở TP Cần Thơ cũng như khu vực ĐBSCL đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ổn định giá cả rất cần sự quan tâm của ngành chức năng, ngân hàng, hỗ trợ vốn để nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp thu mua lúa, đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm...
Lúa đông xuân 2018-2019 trên địa bàn TP Cần Thơ vừa được thu hoạch vận chuyển đến lò sấy.
Vào mùa...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân đã thu hoạch được hơn 1.100ha trong tổng số hơn 81.200ha lúa đông xuân 2018-2019. Lúa được mùa, năng suất khoảng 7 tấn/ha. Dự kiến, tổng sản lượng lúa đông xuân thu hoạch khoảng 570.000 tấn; thời gian thu hoạch từ nay đến hết tháng 2-2019. Tuy nhiên, qua những ngày nghỉ Tết, nông dân ra đồng thu hoạch lúa đông xuân sớm cho biết, giá lúa bán cho thương lái có dấu hiệu giảm giá nhanh so với trước Tết. Theo một số thương lái, chỉ trong vòng 10 ngày trước (sau Tết), giá lúa biến động mạnh khi vụ lúa đông xuân ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL sắp bước vào đợt thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo khởi động chậm. Một số nhà máy đến Mùng 9 sau Tết (13-2) mới mở cửa kho thu mua. Do đó, thương lái đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng từ trước Tết càng lúng túng, bị động hơn khi thu mua lúa. Một số giống lúa như: IR50404, Jasmine 85, lúa Đài Thơm 8… dự kiến sẽ tiêu thụ mạnh nhưng hiện giảm giá, bình quân giá giảm hơn 100-200 đồng/kg so với ngày Mùng 6 Tết (10-2).
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1-2019) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. Hầu hết, nông dân rơi vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được lúa. Trong khi đó, vụ đông xuân 2017-2018, trước thời điểm thu hoạch 15 ngày, thậm chí 1 tháng, thương lái đã đặt tiền cọc mua lúa của nông dân. Ngoài ra, giá lúa giảm còn do một số doanh nghiệp lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài. Điển hình Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo dẫn đến Công ty Lương thực miền Nam chưa tổ chức thu mua lúa; Công ty Lương thực miền Bắc chưa có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp ở TP Cần Thơ trong việc thu mua lúa…
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: “Hằng năm, các ngân hàng thương mại cấp định mức cho vay đối với các doanh nghiệp theo hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Nhưng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu nên kế hoạch giải ngân của các ngân hàng hạn chế và bị cắt giảm hạn mức cho vay, gây khó khăn trong việc thu mua lúa. Vấn đề quan trọng cần giải quyết là tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp để tiến hành thu mua lúa trong dân, hạn chế tình trạng sụt giảm giá lúa, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân…”.
Tháo gỡ khó khăn
Để giá lúa không giảm sâu và giúp giảm chi phí, thiệt hại cho nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị tốt sản lượng lúa tham gia xuất khẩu theo chỉ tiêu năm 2019; đồng thời chuẩn bị sản lượng gạo khi có nhu cầu ký kết các hợp đồng xuất khẩu trong thời gian tới, Sở Công thương đã tham mưu UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn để tìm giải pháp nâng giá lúa, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân tiêu thụ lúa đông xuân 2019. Theo đề nghị của Sở Công thương thành phố, việc cung cấp gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo năm 2019, với hình thức vay tài sản thế chấp hình thành sau khi vay trong thời hạn 6 tháng, với lãi suất 6%/năm là rất cần thiết, nhằm giúp doanh nghiệp tổ chức thu mua lúa vào thời điềm thu hoạch rộ sau Tết Nguyên đán 2019.
Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề xuất thành phố, các ngân hàng thương mại cổ phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để tiến hành thu mua lúa trong dân, ổn định giá lúa khi thu hoạch rộ; đồng thời, các ngân hàng tăng hạn mức vay thời vụ (trong dịp thu hoạch rộ lúa) để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những đơn vị xuất khẩu gạo với sản lượng lớn tại TP Cần Thơ cũng đang có kế hoạch thu mua lúa đông xuân xuất khẩu năm 2019. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng và bao tiêu sản phẩm từ cánh đồng lớn ở khu vực ĐBSCL và TP Cần Thơ. Sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu từ vùng nguyên liệu này. Do đó, sản phẩm tạo ra đều tuân thủ quy định sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ có ý kiến để ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi cơ chế cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn, tăng hạn mức cho vay để doanh nghiệp thu mua lúa đông xuân cho dân, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu bao tiêu sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu…”.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: Các sở, ngành chức năng quan tâm nguyện vọng của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường thông tin thị trường xuất khẩu gạo để doanh nghiệp nắm bắt và tìm kiếm thị trường; các ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh tại TP Cần Thơ khẩn trương báo cáo, đề xuất hội sở tăng cường nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa đông xuân; Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức trao đổi với các đơn vị, ngân hàng để tận dụng nguồn quỹ tín chấp hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa… thành phố sẽ có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để ngân hàng tăng cường nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ lúa đông xuân 2018-2019 trong dân, hạn chế giảm giá khi thu hoạch rộ… |
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)