Hoa kiểng Chợ Lách chuẩn bị cho vụ Tết 2021

17/11/2020 - 09:39

Mùa hoa kiểng Tết 2021 ở Chợ Lách đang khởi động. Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang dồn sức đầu tư cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Các loại như bông giấy, cúc mâm xôi đang được chăm chút kỹ lưỡng. Riêng mai vàng đã bắt đầu có thương lái đến xem. Điều các nhà vườn quan tâm nhất hiện nay là tình hình xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục diễn ra sau khi mùa mưa kết thúc.

Nhà vườn Chợ Lách đang khẩn trương thi công các công trình trữ nước ngọt để tưới hoa kiểng trước mùa khô 2020-2021.

Lo trữ nước ngọt

Anh Bùi Hoàng Trọng, chủ vườn mai Hoàng Trọng, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết, anh đang khẩn trương thi công hồ trữ nước ngọt, có thể trữ hơn 100m3 nước ngay trong vườn mai nhà mình. Nếu mặn xâm nhập sâu và kéo dài như năm 2020 thì các vườn hoa kiểng sẽ tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Vì vậy, anh sớm triển khai các biện pháp trữ nước. Hiện nay, người dân ở vùng này, nhất là các nhà vườn làm hoa kiểng hầu hết đều tự trang bị các thiết bị đo độ mặn, cập nhật thông tin về diễn biến xâm nhập mặn để kịp thời lấy nước ngọt vào các vật dụng trữ nước khi phù hợp.

“Các vườn nhỏ dễ cầm cự hơn vườn lớn. Lượng nước tưới duy trì sức sống cho hoa kiểng, cây giống hàng ngày là rất lớn. Chi phí cho nước tưới vào thời điểm hạn mặn rất cao”, anh Bùi Hoàng Trọng nói. Nếu như mùa khô năm 2019-2020, biện pháp trữ nước ngọt chủ yếu ở các hộ gia đình là các ống hồ, mái nước thì năm nay, nhiều nhà vườn đã mạnh tay đầu tư cho các biện pháp trữ nước ngọt quy mô lớn, chủ yếu là đào ao lót bạt hoặc xây hồ trữ nước.

Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ quan khí tượng thủy văn trong và ngoài nước, mùa khô 2020-2021, khả năng thiếu nước từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm. Dự báo cuối mùa khô 2020-2021 là năm ít nước sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt. Về lâu dài, tình trạng hạn hán thiếu nước diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Báo cáo về phương án ứng phó giông bão, triều cường, hạn mặn của huyện Chợ Lách phân tích: Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố là nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông chảy về đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 ở mức thấp. Do vậy, hạn mặn ở đồng bằng dự báo cũng sẽ hết sức gay gắt, nghiêm trọng. Nguồn nước ngọt có khả năng khan hiếm ngay từ đầu mùa khô. Các hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước ngọt, nước mưa được tích trữ. Thêm vào đó, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi nước, xâm nhập mặn, tăng nhu cầu nước cho cây trồng và vật nuôi. Dự báo chung, do nước thượng nguồn ít, kéo theo dòng chảy yếu, xâm nhập mặn huyện Chợ Lách năm 2021 có khả năng xảy ra xấp xỉ năm 2020.

Dự báo hướng tới

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ vườn mai Sáu Tuấn, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành cho biết: Rút kinh nghiệm trong đợt hạn mặn vừa qua, ông Tuấn đã trang bị 2 túi trữ nước trong vườn mai, kết hợp với ao lót bạt. Hơn 1 ngàn sản phẩm mai vàng các loại từ nhỏ, trung đến gốc đại đang được ông chăm sóc kỹ lưỡng, đợi bán Tết.

Nhà vườn Chợ Lách chuẩn bị các phương tiện trữ nước sẵn sàng vụ hoa kiểng Tết 2021.

Bên cạnh hình thức kinh doanh truyền thống như vườn mai Sáu Tuấn, vườn mai Hoàng Trọng lại được nhiều khách hàng biết đến bởi chuyên sản xuất nhiều sản phẩm mai mới lạ. Những năm gần đây, vườn mai Hoàng Trọng đã bắt đầu kinh doanh online, chuyển mai thành phẩm đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

“Có đứa con trai biết về thương mại điện tử chỉ dẫn nên tôi bán hàng qua kênh này. Chụp sản phẩm xong đăng lên mạng, khách ở đâu thích cây nào thì mình chuyển cây đó cho họ. Khâu đóng hàng, vận chuyển thì có bên đơn vị vận chuyển hàng đến tận vườn đóng gói từng cây mai rồi chở đi”, anh Trọng nói.

Qua khảo sát cho thấy, nhiều nhà vườn Chợ Lách đã quen dần với phương thức kinh doanh hiện đại. “Nếu bán hàng online thì quanh năm mình đều có thể tiêu thụ sản phẩm chứ không dồn vào dịp Tết nữa, như vậy đỡ áp lực  chuyện dội chợ hơn”, anh Trọng cho biết thêm.

Mùa hoa kiểng Tết đã gần kề, tuy nhiên, những nhà vườn kinh nghiệm như anh Hoàng Trọng cũng nhận định thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn. Với tình hình dịch bệnh, thiên tai như hiện nay, người dân có nhiều khả năng chi tiêu dè dặt hơn trong dịp Tết, sức tiêu thụ hoa kiểng vào dịp Tết năm nay có thể có phần hạn chế so với trước. Vì vậy, nhiều nhà vườn hoa kiểng đang còn cân nhắc về số lượng sản xuất và hướng tiêu thụ sản phẩm.

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)