Hoàn thiện các tuyến cao tốc tạo đường băng cho ĐBSCL cất cánh

25/11/2024 - 08:53

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT). Những dự án cao tốc được kỳ vọng tạo đường băng mới cho vùng ĐBCSL cất cánh. Tuy nhiên, các dự án này đang gặp khó khăn về nguồn cát, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực gỡ khó.

Khó về nguồn cung nguyên vật liệu

Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSCL đang tổ chức thi công 3/4 dự án đường bộ cao tốc, trong đó có 2 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 và thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động. Đó là Dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) và DATP1 Cao Lãnh - An Hữu được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ. Còn Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; DATP2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) hoàn thành năm 2027.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các địa phương gỡ khó cho các dự án cao tốc. Ảnh: AN CHI

Để đảm bảo hoàn thành các dự án, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện cấp mỏ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cho các dự án.

Vừa qua, báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong chuyến kiểm tra thực địa thi công các dự án cao tốc tại ĐBSCL (ngày 20-11-2024), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã xác định được nguồn 25,7 triệu m3, đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 23,1 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục khai thác 2,6 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác các mỏ hiện nay không đáp ứng khả năng cung ứng 4 triệu m3 còn lại phải hoàn thành gia tải vào 31-12-2025.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã xác định nguồn 24 triệu m3 cát. Hiện DATP3 (tỉnh Hậu Giang) và DATP4 (tỉnh Sóc Trăng) đã xác định đủ nguồn cung, DATP1 (tỉnh An Giang) thiếu 3 triệu m3; DATP2 (TP Cần Thơ)  thiếu 1,85 triệu m3 cát. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Dự án Mỹ An - Cao Lãnh đã xác định đủ nguồn cung. Chủ đầu tư đang phối hợp với ngành chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để cấp mỏ.

Các dự án cao tốc đang tổ chức thi công chậm tiến độ do thiếu cát đắp nền, ảnh: DATP Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: AN CHI

Còn nguồn cấp phối đá dăm, tổng nhu cầu 4 dự án khoảng 5,19 triệu m3. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo An Giang triển khai thủ tục để khai thác trở lại mỏ Antraco trong tháng 8-2024. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thủ tục đóng mỏ và tổ chức đấu giá quyền khai thác mất nhiều thời gian. Việc này đã ảnh hưởng đến việc cung ứng vật liệu cho cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đoạn Cần Thơ - Hậu Giang. Các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý cung ứng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau. Tuy nhiên, cự ly vận chuyển xa dẫn đến giá thành cao hơn nguồn đá tại mỏ Antraco.

Thứ trưởng Bộ GTVT  Lê Anh Tuấn. Ảnh: AN CHI

“Việc cung ứng vật liệu cho các dự án vẫn còn một số khó khăn vướng mắc, công suất khai thác của các mỏ còn hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công, một số mỏ phải dừng khai thác do khai thác quá độ sâu hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông nên không đảm bảo khối lượng” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.

Gỡ khó cho thi công cao tốc

Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các địa phương trong chuyến khảo sát thực địa cao tốc vừa qua, nhiều ý kiến cho biết, việc triển khai thủ tục cấp mỏ tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Đặc biệt là DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có kế hoạch hoàn thành năm 2025 nên rất cần thêm nguồn cát từ các địa phương mới đảm bảo các dự án hoàn thành theo kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục cấp phép và tăng công suất các mỏ cát sông, cát biển đã đủ thủ tục.

DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Ảnh: AN CHI

Lý giải về việc chưa tăng công suất khai thác 3 mỏ cát được cấp cho nhà thầu khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, những mỏ cát này nằm trên địa bàn huyện Trà Ôn. Thời gian qua, khu vực này còn xảy ra tình trạng người dân khiếu nại, làm ảnh hưởng đến thời gian xem xét nâng công suất.

“Tỉnh sẽ xem xét sớm nâng công suất khai thác cho giai đoạn 2 theo đề nghị của nhà thầu. Đồng thời khẩn trương cho lập thủ tục khai thác hai mỏ mới cung ứng cho dự án, phấn đấu cấp phép trong tháng 12-2024”, ông Nguyễn Văn Liệt khẳng định.

Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, DATP2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua thành phố, triển khai thực hiện cần khoảng 7 triệu m3 cát. Hiện tỉnh An Giang đã hỗ trợ 2,3 triệu m3, Tiền Giang 2,97 triệu m3. Hiện còn thiếu 1,73 triệu m3, thành phố đang chờ tỉnh Bến Tre hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành có liên quan, nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo cụ thể hướng dẫn cho thành phố được sử sụng cát biển để xây dựng các công trình giao thông, khu công nghiệp. Vì hiện chưa có văn bản nào làm cơ sở pháp lý cho sử dụng cát biển ở khu vực Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang. Ảnh: AN CHI

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, về vấn đề khai thác cát, đầu năm 2023, cuối năm 2024 mới phát sinh thủ tục giao mỏ cát cho các nhà thầu thi công cao tốc để khai thác, phục vụ cho dự án. Trong thời gian ngắn, địa phương đã cố gắng hoàn tất các thủ tục xác nhận 2 bản đăng ký khai thác cho 2 nhà thầu với trữ lượng khoảng 1 triệu m3. Đồng thời gian hạn cho 2 mỏ cát với trữ lượng hơn 5,4 triệu m3. Tuy nhiên, hiện các mỏ này, các nhà thầu khai thác chưa đảm bảo tiến độ. Ví dụ mỏ số 12, một ngày có thể khai thác trữ lượng đến 3.000 m3 cát, nhưng các nhà thầu chỉ khai thác khoảng 700-800 m3.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với bộ, ngành làm việc để thống nhất xử lý việc khai thác cát biển và giao khu vực biển khai thác cát. Đồng thời xem xét, hướng dẫn tỉnh việc khai thác cát tầng sâu tại mỏ cát sông MS11 để phục vụ cho dự án giao thông trọng điểm.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang. Ảnh: AN CHI

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các địa phương chiều 20-11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, các Ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, công suất khai thác tại các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án. Đối với các mỏ cát được cấp cho dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, lắp đặt thiết bị quan trắc, xác định độ sâu khai thác các mỏ cát, đảm bảo các yếu tố liên quan môi trường, không để xảy ra tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Với mỏ cát biển tại khu vực chưa xác định ranh giới quản lý giữa các địa phương, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ khẩn trương xác định ranh giới quản lý khu vực biển giữa các địa phương. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn về nguồn vật liệu. Đặc biệt là cát biển phục vụ trong hoạt động san lắp.

Còn liên quan đến vấn đề về giá cung cấp cát từ mỏ thương mại cho các dự án cao tốc, Phó Thủ tướng giao các địa phương và các bộ, ngành liên quan cùng bàn bạc, thống nhất phương án về giá trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" để đảm bảo tiến độ hoàn thành các cao tốc.

Theo AN CHI - GIA BẢO (Báo Cần Thơ)