Học Lạc - Nhà thơ trào phúng nổi tiếng đất phương Nam

06/10/2021 - 15:34

Học Lạc tên thật Nguyễn Văn Lạc, sinh năm 1842, thôn Mỹ Chánh, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Học Lạc có tài làm thơ Nôm rất giỏi, xuất khẩu thành thơ… Ông là bạn học cùng với Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Bùi Hữu Nghĩa, Phan Hiển Đạo…

A A

ĐÔI NÉT VỀ “HỌC SINH LẠC”

Thuở nhỏ, ông theo học tại trường tỉnh, tọa lạc ở thôn Bình Tạo (nay là phường 4 và phường 6, TP. Mỹ Tho). Mặc dù gia cảnh gặp khó khăn nhưng do thông minh lại chuyên cần nên ông học rất giỏi, được hưởng học bổng của triều đình và được xếp vào ngạch Học sinh. Vì thế, ông được nhiều người gọi là “Học sinh Lạc”; về sau, gọi tắt, chỉ còn hai chữ “Học Lạc”, và tên tuổi ấy được lưu truyền mãi về sau.


Trường Trung học cơ sở Học Lạc tọa lạc ở phường 8, TP. Mỹ Tho.

Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông gác lại chuyện thi cử. Năm 1861, giặc Pháp đánh chiếm thành Định Tường, ông về ở ẩn tại chợ Thuộc Nhiêu (nay thuộc huyện Châu Thành), tỏ thái độ bất hợp tác với nhà cầm quyền Pháp. Tại đây, ông mở trường dạy chữ Nho, góp phần mở mang dân trí và hun đúc tinh thần yêu nước, thương dân cho lớp trẻ.

Đồng thời, ông còn làm thuốc Nam, chữa bệnh cho người dân. Vốn giỏi thơ văn, lại có tính cương trực, khẳng khái, ông đã sáng tác nhiều bài thơ châm biếm, trào phúng nhằm đả kích chế độ thực dân thối nát và những kẻ phản dân hại nước, cúi đầu làm tay sai cho ngoại bang, tiêu biểu là các bài: Tức cảnh Mỹ Tho, Tức cảnh Thuộc Nhiêu, Con trâu, Con tôm, Chó chết trôi, Tạ hương đăng, Tức cảnh buổi chiều…

Theo lời truyền miệng của những người trong làng thuộc vùng đất Thuộc Nhiêu, Học Lạc dáng người nhỏ nhắn, da trắng trẻo, giọng nói lúc nào cũng sang sảng, tính tình ngay thẳng và khí phách. Cũng vì tính cách này, Học Lạc luôn “rước họa” vào thân. Vả lại, bọn cường hào thời ấy ít khi để những người tài trí như ông yên thân. Tính cách cứng cỏi, tấm lòng trong sạch của ông thể hiện trong văn thơ được người đời lưu truyền mãi về sau.

Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho,
Đâu đầu phong cảnh cũng nhường cho.
Lớn ròng chung rạch chia đôi ngã,
Cũ mới phân nhau cũng một đò.
Phố cất vẽ vời xanh tựa lục,
Buồm giong lên xuống trắng như cò
Đắc tình trạo tử quên mưa nắng,
Dắn dỏi đua nhau tiếng hát hò. 
(Tức cảnh Mỹ Tho)

NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG ĐẤT NAM BỘ

Nếu nhắc đến những nhà thơ trào phúng trứ danh phương Bắc: Nguyễn Khuyến, Tú Xương…; thì Học Lạc, Phan Văn Trị… là những nhà thơ trào phúng cùng thời, nổi tiếng ở đất phương Nam. Dù tác phẩm của Học Lạc để lại không nhiều, nhưng tên tuổi của ông luôn gắn liền với những dòng thơ châm biếm bọn cường hào, đả kích hội tề, lên án những kẻ làm tay sai cho giặc… Thơ của Học Lạc thường gắn bó mật thiết với tình hình xã hội trong thời kỳ đầu thế kỷ XIX đất nước đang bị nạn ngoại xâm, trước sự bất lực và suy đốn của triều đình nhà Nguyễn.

Ông không thành công về khoa bảng, nhưng nổi tiếng một thời về văn chương. Nếu thơ của Nguyễn Đình Chiểu cổ động tinh thần chiến đấu và khích lệ lòng yêu nước của nhân dân Nam bộ; Phan Văn Trị cương quyết vạch trần những kẻ theo giặc, bán rẻ non sông cho giặc Pháp; thì thơ của Học Lạc lại chú ý và vạch ra những cái gọi là rởm đời, những thói hư tật xấu của bọn cường hào thôn xóm, làng xã.

Nhà thơ Nguyễn Liên Phong từng nhận xét về nhà thơ Học Lạc như sau: “Cụ Học Lạc dù không đạt khoa bảng nhưng luận theo sức văn học, ông xấp xỉ với ông Đồ Chiểu, Cử Trị, tấn sĩ Đạo (Tiến sĩ Phan Hiển Đạo), tấn sĩ Thông (nhà thơ Nguyễn Thông)…”.

Chuyện kể rằng, ngày xưa trong dân gian Nam bộ thường có tục cúng xôi. Hằng năm, đến ngày Kỳ yên, các chức sắc trong làng phải mang đến đình làng một mâm xôi để tế thần. Tập tục này ở một số vùng nông thôn Nam bộ vẫn còn giữ. Học Lạc từng nằm trong ngạch Học sinh của triều đình nhà Nguyễn trước đó, nên đối với làng ông cũng là một chức sắc, vì vậy ông phải tuân theo lệ làng. Năm đó, Học Lạc cũng đội mâm xôi đến đình làng cúng như mọi năm, nhưng mâm xôi của Học Lạc chỉ ghi hai chữ Thằng Lạc, thay vì phải ghi chức sắc và họ tên.

Khổ nỗi, trong làng có nhiều người vai trên chức trước đã lấy cớ đó quở trách, ghép tội Học Lạc xấc xược, dám giễu cợt thánh thần, khinh khi hương chức. Vì vậy, xong lễ Kỳ yên, làng bắt Học Lạc phải xin lỗi các hương chức. Lúc ra về, ông liền làm bài thơ theo thể vần trắc và ngâm ngay bài thơ ấy cho một vài người trong làng nghe:

Vành mâm xôi đề “Thằng Lạc”
Nghĩ mình ti tiểu không đài các.
Văn chương chẳng phải bọn mèo quào,
Danh phận không ra cái cóc rác.
Bởi thế bơ phờ thẹn núi sông,
Dám đâu vúc vắc ngạo cô bác.
Việc này dẫu có thấu lòng chăng?
Trong có ông thần, ngoài cặp hạc. 
(Tạ hương đăng)

Dù không được ghi chép và lưu giữ, nhưng những bài thơ mang tính châm biếm, đả kích thường được người đời truyền miệng. Sự truyền miệng nhiều khi sai lạc đôi chút, nhưng vẫn phản ánh được một phần đời sống xã hội lúc ấy. Những vần thơ của Học Lạc đã phản ánh cuộc sống cơ cực của người dân nông thôn và đả kích những thói hư tật xấu của bọn quan lại, cường hào, hương chức thời ấy. Chính điều đó, thơ và tên tuổi của Học Lạc vẫn sống mãi với thời gian, đặc biệt là trong đời sống nông thôn.

Rất nhiều nhà thơ đã khai thác hình ảnh con trâu bên luống cày, trên đồng ruộng trong quá trình lao động. Nhưng với Học Lạc lại khác, hình ảnh con trâu xuất hiện trong thơ ông lại mang một ý nghĩa khác, chính là bọn cường hào, hội tề.  Đặc biệt là bài thơ “Con trâu”, nhà thơ Học Lạc đã mượn hình ảnh con vật này để nói về bọn cường hào, hương chức. Đây là một bài thơ trào phúng khá độc đáo và sâu xa.

Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Gẫm lại mà coi thật lớn đầu.
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông vốn giác sầu.
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
Năm dây đờn khảy biết nghe đâu?

Trải qua chiến tranh, nhiều tư liệu viết về ông bị thất lạc, người đời sau không biết nhiều về cuộc đời riêng của ông, nhưng vẫn truyền tụng mãi tính nết và sự tảo tần về người vợ tài sắc của Học Lạc, đó là nữ thi sĩ Bảy Khánh. Bà không những đảm đương lo trong lo ngoài cuộc sống cho ông trong những ngày rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mà còn là niềm an ủi và nguồn hạnh phúc lớn nhất của ông, luôn chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn trong cuộc đời của ông.

Ông mất lúc 73 tuổi. Tên của ông được đặt tên trường, tên đường ở TP. Mỹ Tho. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh có 2 con đường mang tên ông: Đường Học Lạc ở quận 5 và con đường được viết tên thật của ông là đường Nguyễn Văn Lạc ở quận Bình Thạnh.

Theo LINH THỦY (Báo Ấp Bắc)