Hội thảo tư vấn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”

05/06/2023 - 09:06

Nhằm đánh giá kết quả đạt được về chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; kịp thời đưa ra những định hướng phát triển trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo tư vấn “CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - Thực trạng và giải pháp”. Ngoài đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp... trong tỉnh, hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo Liên hiệp Hội các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang và TP Cần Thơ.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà quản lý về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Hội thảo nhận định, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, CĐS là xu hướng tất yếu, là một trong những vấn đề giúp cho các DN phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Bởi CĐS mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với DN như nâng cao năng suất: các công nghệ số cung cấp cho các tổ chức và DN khả năng tăng cường năng suất, giúp tăng cường hiệu quả và tăng cường tính cạnh tranh; cải thiện khả năng quản lý dữ liệu: các công nghệ số giúp tổ chức và DN quản lý dữ liệu một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác, giúp đưa ra các quyết định tốt hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn, giúp các tổ chức và DN tiết kiệm chi phí và tăng cường lợi nhuận cao hơn. Đến nay, CĐS đã trở thành một thực tế bắt buộc các DN phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Điều này có thể thấy, ngày càng có nhiều DN thực hiện CĐS và coi trọng giá trị của dữ liệu DN.

Nhằm đẩy nhanh quá trình đẩy mạnh lộ trình CĐS với 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ngày 31/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI ban hành Nghị quyết số 04 về CĐS tỉnh Đồng Tháp. Để thúc đẩy CĐS trong các DN mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 5/5/2022 “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025”, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa  trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thực hiện CĐS tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 5/5/2023 về “Phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Đồng Tháp năm 2023” với mục tiêu có trên 55% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ ít nhất 50 DN vừa và nhỏ trải nghiệm các nền tảng CĐS; 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt; trên 50% dịch vụ vận tải triển khai hình thức thu phí không dùng tiền mặt; tỷ trọng kinh tế số đạt từ 4% GRDP trở lên.

Toàn tỉnh hiện có hơn 438 sản phẩm của 102 DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee,Voso, Sendo, Postmart... trong đó có 253/357 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; doanh thu kinh tế số năm 2022 ước đạt 3,7% GRDP của tỉnh (tăng 0,1% so với năm 2021 và 1% so với năm 2020).

Theo ThS. Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng công nghệ số vào DN vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Việc CĐS đòi hỏi các tổ chức và DN phải đầu tư nhiều kinh phí để mua các thiết bị, phần mềm mới và đào tạo nhân viên để sử dụng. DN cho rằng chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà DN đang phải chịu, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn. CĐS đòi hỏi các tổ chức và DN phải đào tạo lại nhân viên để sử dụng các công nghệ số mới, đó là một quá trình tốn kém và mất thời gian. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác CĐS còn hạn chế và thiếu hụt về số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, công nghệ số hiện tại còn khá khiêm tốn, chưa được đầu tư đồng bộ. Các công nghệ số đòi hỏi các tổ chức và DN phải đảm bảo rằng dữ liệu của mình được bảo mật và an toàn, đồng thời phải đối phó với các mối đe dọa an ninh mới của thế giới số... Cơ chế chính sách chưa thật sự là động lực thúc đẩy cho các DN mạnh dạn đầu tư ứng dụng. Các giải pháp và công nghệ số rất đa dạng, phong phú và liên tục được cập nhật theo nhu cầu của thị trường. Việc không nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với DN có thể khiến DN gặp khó khăn khi bước đầu áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, về phát triển thương mại điện tử, một số DN, cơ sở khởi nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ nguồn lực nên chưa có sự đầu tư đúng mức về hình ảnh, quảng cáo, dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Tại hội thảo có nhiều ý kiến, tham luận tư vấn với nhiều thông tin bổ ích, để Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp tổng hợp báo cáo và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo tỉnh về những chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS trong DN được diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo TN (Báo Đồng Tháp)