Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút hơn 481 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần.
So với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn FDI vào ĐBSCL trong 6 tháng năm 2024 chỉ bằng gần 66,72% (tổng vốn 6 tháng đầu năm 2023 hơn 721 triệu USD)
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, vùng ĐBSCL có 8/13 địa phương có dự án đầu tư mới (gồm Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, TP Cần Thơ và Hậu Giang), với 69 dự án, tổng vốn đăng ký 310,9 triệu USD. Ngoài ra còn có 56 lượt dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm trên 157,7 triệu USD và 33 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị 12,39 triệu USD.
Nguồn: Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài
Tính đến ngày 20-6-2024, vùng ĐBSCL có 2.042 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 36,18 tỉ USD. Về vốn FDI đăng ký đầu tư, vùng có 8 địa phương có vốn FDI từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, Long An là địa phương dẫn đầu vùng về số dự án và vốn đăng ký, với 1.442 dự án và vốn đăng ký trên 13,88 tỉ USD. Vốn FDI đăng ký xếp thứ 2 vùng là tỉnh Kiên Giang, với hơn 4,81 tỉ USD, kế đến là tỉnh Bạc Liêu với trên 4,69 tỉ USD, Trà Vinh xếp thứ 4 với hơn 3,19 tỉ USD, vị trí thứ 5 là tỉnh Tiền Giang hơn 2,72 tỉ USD, TP Cần Thơ đứng thứ 6 về vốn đăng ký, với hơn 2,27 tỉ USD. Tỉnh Bến Tre xếp thứ 7 với hơn 1,59 tỉ USD, vị trí thứ 8 là tỉnh Vĩnh Long với hơn 1,09 tỉ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL tuy duy trì sự ổn định so với cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư của vùng thấp hơn mức bình quân cả nước. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, khu vực FDI đã chấm dứt đà tăng trưởng trong 6 năm trước đó; tỷ trọng đầu tư của khu vực FDI trong tổng đầu tư của vùng năm 2016 là 6,9% đến năm 2021 tăng lên mức 10,2% nhưng đến năm 2022 đã giảm xuống còn 7%. Năm 2023, vốn FDI vào vùng tiếp tục giảm, vốn thu hút mới hơn 740 triệu USD, với 139 dự án, vốn FDI vào vùng quy mô lớn không nhiều. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ĐBSCL có lợi thế thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp và năng lượng, nhưng để có dự án quy mô lớn cần chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn.
Theo SONG NGUYÊN (Báo Cần Thơ)