Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Thới Lai
Hợp tác theo chuỗi
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị không chỉ gia tăng niềm tin hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị mà còn góp phần tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản. Liên minh HTX thành phố đã phối cùng các ngành hữu quan và các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HTX nông nghiệp kiểu mới xây dựng chuỗi liên kết thông qua mô hình hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp. Qua đó, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới đã nâng chất hoạt động và tăng cường liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý cho thành viên; đồng thời, kết nối với doanh nghiệp bao tiêu hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản theo yêu cầu thị trường. Song song đó, TP Cần Thơ còn nỗ lực triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo thêm lực thúc đẩy mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản giữa HTX và doanh nghiệp phát triển, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố đã và đang triển khai dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (VnSAT), nhằm định hướng nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản theo nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã thực hiện hỗ trợ sản xuất và liên kết chuỗi sản xuất lúa với quy mô 30.000ha thông qua mô hình “Cánh đồng mẫu”, “Cánh đồng lúa sạch”. Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lợi, xã Trường Xuân, cho biết: “Mô hình “Cánh đồng lúa sạch” không chỉ giúp nhà nông hướng tới mục tiêu sản xuất sạch mà còn gắn kết các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Tham gia “Cánh đồng lúa sạch”, nông dân trồng lúa phải tuân thủ, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh… để tiết giảm được chi phí đầu tư, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo hợp đồng bao tiêu đã ký với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ”.
Theo ông Đào Minh Tuấn, việc xây dựng mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp không chỉ giúp nhà nông yên tâm sản xuất vì có thị trường tiêu thụ ổn định mà còn gia tăng thu nhập, bởi giá lúa được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá thị trường và thu nhập cao hơn cả chục triệu đồng/ha so với lúa trồng bên ngoài. Hiện, HTX có 1.000ha đất trồng lúa được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định. Vụ đông xuân 2019, do biến động thị trường nên giá lúa sụt giảm, nhưng HTX vẫn giữ giá thu mua ổn định cho thành viên và bà con làm ăn cùng HTX. Hiện, HTX thu mua lúa IR50404 với giá 4.400 đồng/kg, lúa Jasmine 85 với giá 5.000 đồng/kg.
Ðẩy mạnh hỗ trợ
Hợp tác để cung cấp đủ số lượng và bảo đảm chất lượng lúa theo hợp đồng tiêu thụ của doanh nghiệp; đồng thời, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực phục vụ hỗ trợ thành viên để giảm chi phí, tăng hiệu quả cạnh tranh, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên là hướng đi được HTX Khiết Tâm, ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh triển khai nhiều năm liền. Hiện, HTX Khiết Tâm có 600ha đất canh tác lúa theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó có trên 340ha được sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngoài hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao theo định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, HTX còn đầu tư kho chứa lúa 1.000 tấn, 1 lò sấy, 3 máy cày cùng với thiết bị san ủi đất bằng tia laser… Với lợi thế này, HTX đã từng bước giảm thất thoát và chi phí đầu tư sản xuất, gia tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp; đồng thời, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho 40 thành viên cùng nông dân tham gia vào HTX. Từ đó, giúp nông dân canh tác lúa tin tưởng vào HTX, nâng cao năng lực sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho hạt lúa trong bối cảnh cạnh tranh thị trường”.
Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định và hiệu quả hơn. Qua đó, nông dân ngày càng tin và tự nguyện tham gia vào HTX nông nghiệp kiểu mới, tạo bước chuyển từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình kinh tế hợp tác. Song, cần tiếp tục phát triển mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, từng bước hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ, cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho các nhà máy chế biến lương thực trong và ngoài thành phố. Theo đó, Liên minh HTX thành phố sẽ tăng cường phối hợp các ngành chức năng thành phố thúc đẩy liên kết giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo; đưa sản phẩm, hàng hóa các HTX nông nghiệp tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ các HTX tham gia chương trình “Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối”; giới thiệu sản phẩm, đăng ký thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh hỗ trợ HTX tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, chất lượng cao; xây dựng các dự án đổi mới công nghệ, khai thác nguồn vốn từ quỹ khuyến công hỗ trợ cho các HTX... Hỗ trợ các HTX hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển quy mô lớn, tạo cơ sở hình thành và phát triển các liên hiệp HTX đối với 3 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, trái cây và thủy sản theo hướng gắn kết chuỗi giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Theo M. HOA (Báo Cần Thơ)