Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển: Những năm tháng vượt gian khó

24/10/2024 - 09:18

Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, luôn gắn với những chuyến tàu, vận chuyển bằng nhiều hình thức độc đáo, sáng tạo, cùng tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125. Những chuyến tàu trong giai đoạn khó khăn nhất của các cuộc chiến tranh, là sự khẳng định cho ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, để làm nên những chiến tích to lớn về một huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tàu C41 trong chuyến thăm Đoàn 125 Hải quân, năm 1970. Ảnh tư liệu.

Quyết tâm vượt khó

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thất bại và được thay thế bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt” với tiền bạc của Mỹ, vũ khí Mỹ và do Mỹ chỉ huy.

Trên biển miền Nam, Mỹ - Ngụy chia làm 3 tuyến để hoạt động phong tỏa, tăng cường tuần tiễu, bám sát các tàu của ta. Trên bờ, tại những luồng lạch nơi địch nghi ngờ tàu ta có thể vào trú đậu thì chúng ra sức bắn phá, pháo kích, thả chất độc hóa học làm rụi lá cây. Một số nơi, chúng cho là trọng điểm, chúng cho tàu lặng lẽ thả trôi, phục kích, đón lõng tàu ta, làm cho việc vận chuyện vũ khí gặp muôn vàn khó khăn.

Năm 1970, Mỹ - ngụy đã chiếm lại hầu hết vùng nông thôn đồng bằng, kể cả những vùng ta giải phóng từ lâu. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của ta trong suốt cuộc chiến tranh. Có nhiều nơi đã phải quay trở lại hình thức tác chiến du kích, bởi chủ lực đã mất địa bàn hoạt động, dừng chân và thiếu vũ khí, thiếu lương thực. Khu vực Tây Nam Bộ, địch dồn ta gần như vào sát chân tường. Vùng giải phóng chỉ còn rừng đước Cà Mau và Căn cứ U Minh. Nguồn bổ sung súng đạn bế tắc.

Nhiều bức điện từ Quân khu 8, Khu 9 gửi ra Bộ tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân, thậm chí có câu: Chúng tôi không thể lấy cùi tay để đánh giặc. Đây là nỗi đau của những người được giao nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Vũ khí cho miền Nam không chỉ là trách nhiệm mà hơn thế nữa là tình cảm, niềm tin của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đang hàng ngày phải đối mặt với quân thù. Do vậy, việc vận chuyển chi viện cho miền Nam, dù trường hợp nào cũng phải được tiếp tục. Đó là mệnh lệnh của cuộc chiến đấu và cũng là mệnh lệnh của trái tim.

Dưới sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Thường vụ và Đảng uỷ Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 nhanh chóng hạ quyết tâm, mở đường mới, tìm bến mới để tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Tàu 42 được giao nhiệm vụ đi trinh sát, sau gần 20 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu đã trở lại cầu Đá Bạc cùng những thông tin hết sức giá trị, với nhận định: Ở vùng biển quốc tế có nhiều thương thuyền, các tuyến Sài Gòn - Hồng Kông, Singapore - Thượng Hải, Băng Cốc - Manila, tàu các nước trong khu vực đi lại khá đông.

Trên các tuyến đường đó, máy bay và tàu chiến Mỹ hoạt động thường xuyên, nhưng cho tới nay, chúng chưa dám tấn công một tàu dân sự nào, chỉ theo dõi, dám sát và khiêu khích, nếu nghi ngờ. Đây là yếu tố ta có thể khai thác. Song không loại trừ khả năng địch thay đổi chủ trương, tấn công ta ngay từ ngoài vùng biển quốc tế. Vùng ven bờ, tàu địch tăng lên nhiều và tuy nhiên tàu dân đi lại làm ăn cũng nhiều.

Từ nhận định đó, tàu 154 được lệnh xuất phát theo tuyến đường mà tàu 42 đã đi, vận chuyến hàng cho miền Tây Nam Bộ, chuyến tàu thành công, tàu cập bến, bốc dỡ hàng và trở lại miền Bắc an toàn, đánh dấu cho việc trở lại của con đường vận chuyển trên biển Đông, sau một thời gian dài gián đoạn.

Tuy nhiên, qua thăm dò, Mỹ - ngụy biết tàu ta lại vào được chiến trường, chúng rất cay cú và tăng cường triển khai tàu thuyền, máy bay tuần tra gắt gao trên biển, gặp bất luận chiếc tàu lạ nào, đều bám sát đến cùng. Vì vậy cuối năm 1969, đầu năm 1970, dù tổ chức đi 4 chuyến, nhưng đều phải quay trở lại.

Song không vì vậy mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 chùn bước, bởi vũ khí cho miền Nam là nỗi trăn trở đối với từng con người ở đoàn vận tải này. Sang năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức tất cả 15 chuyến đi, song chỉ có 5 chuyến vào được bến, 10 chuyến khác gặp địch, phải quay về. Những chuyến đi thành công, ngoài chuyến đi của tàu 41 (chuyến đầu tiên) là các chuyến đi của các tàu 56, tàu 154, tàu 54 và tàu 121.

Trong đó, tàu 41 chở được 58 tấn vũ khí cập bến Cà Mau an toàn, các loại súng ĐKZ, B40, trung liên và 12,7 ly do tàu 41 đưa vào đã được các chiến sĩ Quân khu 9 sử dụng có hiệu quả, đánh chìm nhiều tàu thuyền của Mỹ - ngụy, làm phá sản chiến thuật “hạm đội nổi trên sông” của chúng. Còn 3 chuyến tàu do tàu 56, 154 và 54 chở được 226 tấn vũ khí vào Bạc Liêu đã kịp giúp quân khu đánh trả các trận càn quét của Mỹ ngụy vào khu vực.

Còn ở Bến Tre, nơi đang rất mong chờ những chuyến chi viện nhưng đã mấy năm qua, tàu chưa thể cập bến trước sự càn quét của địch, đến tháng 10-1970, Tàu 121 do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và Chính trị viên Nguyễn Kim Danh chỉ huy, với quyết tâm chở vũ khí cho Bến Tre.

Trong chuyến đi này, thủy thủ tàu 121 lần đầu thử nghiệm phương thức dùng xuồng cao su bọc nẹp nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến và rất có hiệu quả. Đây là một sáng tạo mới của đoàn, giúp chuyến tàu hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn. Được tin, các đồng chí thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân đều ra đón. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát cùng Phó cục trưởng Cục Tác chiến Phan Hàm cùng mọi người xúc động ra tận tàu, ôm hôn từng thủy thủ và ngay ngày hôm sau, tàu 121 lại vinh dự được đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương gặp gỡ biểu dương và khen ngợi.

Chuyến tàu sinh tử

Sau chuyến tàu 121, Tàu 176 do Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc và Chính trị viên Huỳnh Trung chỉ huy, cùng 26 người trong đó có 10 lính đặc công nước, được lệnh thực hiện một chuyến đi chở hơn 60 tấn vũ khí vào Bến Tre chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trước khi tàu rời bến, đồng chí Tư lệnh Quân chủng trực tiếp xuống tận căn cứ xuất phát để căn dặn động viên Ban chỉ huy tàu và anh em thủy thủ, trong mọi tình huống, dù phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo đảm an toàn cho cán bộ và số vũ khí quý báu mà Trung ương chi viện cho miền Nam. Sau khi hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, nhận đủ người và hàng tại bến, ngày 11-11-1970, Tàu 176 bí mật rẽ sóng ra khơi...

Tàu đi được hai ngày thì trời bỗng nhiên trở gió, biển động rất mạnh. Một cơn bão bất ngờ ập tới. Con tàu nhỏ nhoi phải gồng mình chống chọi với cơn cuồng phong của biển cả. Từng đợt sóng lừng lững như những dãy núi ầm ầm xô đến như muốn nhấn chìm Tàu 176 xuống biển sâu giá lạnh. Anh em thuỷ thủ dạn dày sóng gió mà cũng bị say, nôn ra mật xanh, mật vàng nhưng vẫn phải cố sức giữ vững vị trí chiến đấu, kiên cường bám trụ và tìm cách đưa con tàu vượt qua vùng bão nguy hiểm.

Chưa kịp mừng vì thoát khỏi cơn bão dữ, Tàu 176 lại phải đối mặt với mối hiểm nguy khác từ kẻ địch. Ngày 17-11-1970, máy bay địch phát hiện ra tàu ta ở phía bắc đảo Cồn Cỏ. Chúng liên tục quần đảo và bay sát ngay qua đầu các thủy thủ, nhưng Tàu 176 vẫn bình tĩnh, tiếp tục hành trình.

Để địch không nghi ngờ, mọi hoạt động trên mặt boong tàu vẫn diễn ra bình thường. Trên boong thì như vậy nhưng ở bên trong khoang tàu, một đội thủy thủ vẫn đang tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống bất trắc. Khi trời vừa nhá nhem tối, bằng kinh nghiệm của mình, chỉ huy tàu đã triển khai nhanh chóng “thay hình đổi dạng”, với chổi và sơn đặc biệt, con tàu đã khoác lên một màu áo mới và tiếp túc mở hết tốc lực, bật hết đèn hành trình, tiến về phía trước, nơi có nhiều tàu đánh cá của ngư dân đang hoạt động để trà trộn và đánh lừa địch.

Sau 4 ngày Tàu 176 dập dìu ngoài khơi tìm cơ hội vào đất liền, bất ngờ ngày 21-11-1970, Tàu 176 của ta tăng tốc độ tiến vào cửa Cung Hầu, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phát hiện tàu 176 hướng vào bờ, hải quân Mỹ điều thêm hai tàu chiến từ vịnh Thái Lan và Vũng Tàu tăng viện vây ráp tàu 176 của ta.

 Trong tình huống nguy cấp Ban chỉ huy tàu liên tục bám sát và động viên anh em bình tĩnh, giữ vững ý chí, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời chỉ đạo mọi hoạt động giả dạng trên mặt boong vẫn diễn ra bình thường.

Đến 22 giờ ngày 21-11-1970 tàu địch bắt đầu hành động, chúng tiến sát tàu 176 khoảng cách 1 hải lý; đánh tín hiệu hỏi: “Anh là tàu nào?”. Tàu 176 không đáp, vẫn hướng vào bờ, tốc độ càng nhanh hơn thì chúng chiếu đèn pha soi sáng mặt biển và bắn đạn pháo 20 ly, ép tàu 176 dừng lại.

Tàu 176 quay mũi tàu hướng ra biển, lập tức hai tàu của Mỹ ngụy nổ súng vào đài chỉ huy. Trước tình thế nguy hiểm, Tàu 176 bất ngờ chuyển hướng đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ, đồng thời nã đạn ĐKZ 75, đại liên, tiểu liên về phía tàu hải quân Mỹ, tàu Mỹ bị trúng đạn ở mũi tàu.

Tận dụng thời cơ, Tàu 176 quay mũi tăng tốc hướng vào bờ, tàu Mỹ ngụy bị bất ngờ, chúng quay lại tập trung pháo bắn hủy diệt tàu của ta. Hỏa lực các loại trên tàu địch như vãi đạn trùm lên con tàu 176 bé nhỏ. Tàu 176 bị trúng nhiều đạn pháo ở mũi và đài chỉ huy.

Quyết không để con tàu thân yêu và vũ khí rơi vào tay kẻ thù, chỉ huy tàu hạ lệnh cho các thủy thủ rời tàu bơi vào bờ, còn tàu 176 tiếp tục chạy theo một hướng khác để vừa đánh lạc hướng địch vừa tổ chức gài thuốc nổ trong khoang. Thuốc nổ gài xong, những thủy thủ cuối cùng cũng bí mật rời tàu.

Trên bầu trời máy bay vãi pháo sáng như ban ngày, pháo của chúng vẫn dội về phía con tàu, nhưng chỉ ít phút sau, một tia chớp nhoằng sáng trong trời đêm tiếp theo là một tiếng nổ động trời, 1,5 tấn thuốc nổ tạo ra một quầng lửa bung lên bầu trời hình chiếc nấm, hơn 60 tấn vũ khí cùng con tàu đã hoá thân vào với sóng nước biển khơi nơi quê hương Đồng khởi.

Trên bờ, địch điều một tiểu đoàn dù ngụy và Nam Hàn có xe tăng yểm trợ đổ bộ xuống vùng ven biển Cồn Bửng, Thạnh Phong, Thạnh Phú nhằm bắt sống những chiến sĩ còn sống sót, nhưng gió và sóng lại đưa các chiến sĩ trôi dạt về huyện Đại Bình làm lệch địa điểm bao vây của địch.

Nghe có tiếng súng, du kích các huyện dọc bờ biển biết tàu ta gặp địch, đã triển khai lực lượng yểm trợ, đến khi nghe thấy tiếng nổ lớn biết đã huỷ tàu, mọi người lại toả đi các nơi đón tìm các cán bộ, chiến sĩ vượt biển lên bờ. Vì thế, ngay khi vào đến bờ, thủy thủ Tàu 176 đã được du kích và nhân dân che chở, cưu mang chạy chữa kịp thời cho những chiến sĩ bị thương và chôn cất các liệt sĩ. Hiện nay, ngoài Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre), nơi Tàu 176 chìm có một cồn đất nổi lên. Nhân dân địa phương gọi đó là Cồn Tàu.

63 năm đã trôi qua, Tàu 176 đã tan chìm nơi đáy biển, những sẽ mãi ghi dấu trong những trang sử hào hùng của Đoàn tàu không số anh hùng. Quê hương Bến Tre nay đổi thay, bến Cồn Lợi xưa, nơi những con tàu chở đầy súng đạn đi vào, trở thành minh chứng cho những câu chuyện của một thời oanh liệt đã qua. Từ trên bờ nhìn ra phía biển, biển cả mênh mông, nhưng không mênh mông bao la bằng tấm lòng người dân nơi đây, những con người đã từng che chở cho cách mạng, họ đã góp phần làm nên con đường huyền thoại tàu không số.

Theo VĂN ĐƯỜNG (Báo Đồng Khởi)