Kể chuyện thương hồ

16/11/2022 - 09:35

"Thương hồ" là loạt ký sự đang phát sóng lúc 20 giờ 30 phút thứ tư hằng tuần trên sóng VTV Cần Thơ. Những câu chuyện về thương hồ, những người sống đời "gạo chợ nước sông", được kể lại một cách sinh động, hấp dẫn.

A A

Thương hồ bán ghe hàng ở chợ nổi Cái Răng. 

Lời giới thiệu cho loạt ký sự này có đoạn: "Ở cái xứ mà khi vừa sinh ra đã thấy trăm sông ngàn rạch, dễ hiểu khi cái nghiệp thương hồ, cái nghề sông nước đã gắn chặt với đời sống mưu sinh, làm nên dòng chảy giao thương của vùng châu thổ Cửu Long. Nhưng có mấy ai thấu cái đời thương hồ vất vả tròng trành, nhưng cũng đầy lạc quan, thi vị ra sao?". Quả vậy, ký sự "Thương hồ" cùng khán giả đi tìm sự thi vị ấy.

Mỗi tập phát sóng, "Thương hồ" kể một nghề thương hồ khác nhau. Ðó là thương hồ ở chợ nổi, thương hồ bán ghe hàng hay nghề hàng xáo, nghề đóng ghe xuồng... Ê-kíp thực hiện đã đồng hành cùng thương hồ trên những chuyến ghe, chiếc xuồng tròng trành sóng nước, nghe họ kể về đời thương hồ lắm niềm vui nhưng cũng không thiếu nỗi cơ cực. Nhưng rồi tình yêu với sông nước miền Tây, sự quyến luyến với nghề buôn trên ghe xuồng đã níu chặt đời thương hồ, như câu ca dao xưa: "Ðạo nào vui bằng đạo đi buôn. Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông".

Trong tập về những chuyến ghe hàng xuôi ngược kinh rạch mang đến sự tiện lợi cho bà con, khán giả hiểu hơn về "tiệm tạp hóa di động" trên mặt nước chỉ có ở miền Tây. Ê-kíp thực hiện đã đồng hành cùng vợ chồng anh Hù ở Cà Mau trên chiếc ghe hàng món gì cũng có. Những lời tâm sự của vợ chồng anh thật giản dị, đơn sơ mà thấm đượm cái tình của thương hồ, thương nghề, mến sông nước mà
bám trụ.

Còn với tập về các làng nghề đóng ghe xuồng ở miền Tây, cái nghề gắn chặt với cuộc đời của các thương hồ, ê-kíp thực hiện đã tìm về làng nghề đóng ghe xuồng ở Lai Vung - Ðồng Tháp, ở Ngã Bảy - Hậu Giang. Những người dân làm nghề qua bao đời thổn thức về nghề mang dấu ấn sông nước đồng bằng. Bây giờ, để thích ứng với nhu cầu thị trường, bà con chuyển qua đóng tàu biển, mô hình ghe, xuồng mini mỹ nghệ... với mong muốn giữ nghề quê hương.

Loạt ký sự "Thương hồ" không chỉ có những thước phim đẹp, những câu chuyện hay mà đằm sâu còn là một cách để ghi nhận và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở ÐBSCL. Việc khai thác sâu vào văn hóa làm nghề, cách thức bán mua, giao tiếp, ứng xử, tín ngưỡng... của thương hồ đã giúp khán giả hiểu hơn về bản sắc văn hóa sông nước này.

Theo Báo Cần Thơ