Ông Trà Việt Hoàng (Bảy Hoàng), Trưởng Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh; gắn bó hơn 30 năm với kênh Nước Phèn. Trải qua nhiều thăng trầm, ông là người chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của vùng đất này.
Từ những năm 1974 đến năm 2000, cuộc sống người dân khá vất vả vì không cấy lúa được, do nước nhiễm phèn. Không chỉ cây lúa mà những loại hoa màu khác bà con cũng không trồng được. Ông Bảy Hoàng kể: “Trước đây dòng kênh nhỏ lắm, lau sậy um tùm, 2 chiếc xuồng đi qua còn khó. Kênh cạn và phèn, người dân muốn băng ngang kênh chỉ cần xắn quần là lội qua được. Không sản xuất được nên nhiều người rời quê đi xa tìm kế sinh nhai”.
Bẵng đi một thời gian, nhiều bà con từng bỏ đi đã trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà. Kênh Nước Phèn dài hơn 2 cây số, sau khi chuyển dịch, hệ thống thuỷ lợi được nâng cấp, dòng kênh được khơi thông, trở thành nơi giao thương hàng hoá của bà con.
|
Kênh Nước Phèn đổi thay từng ngày. Nhiều căn nhà kiên cố mọc lên minh chứng cho sự phát triển.
|
Ấp 2 có 322 hộ, trong đó gần 200 hộ tập trung ở kênh Nước Phèn. Năm 2010, ấp có 65 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo.
Khi đường lộ thông suốt, việc đi lại của học sinh cũng dễ dàng hơn. Nằm cạnh kênh Nước Phèn, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) đã ươm mầm tri thức cho nhiều con em nơi đây. Thầy Nguyễn Hoàng Ða, Hiệu trưởng trường, phấn khởi: “Ngày xưa học sinh đi bằng xuồng bơi, băng theo kênh Nước Phèn không đảm bảo an toàn. Giờ thì không còn lo nữa. 100% con em trong độ tuổi được đến trường; đặc biệt là đường đến trường - về nhà rất an toàn, phụ huynh ít phải đưa rước, an tâm ở nhà phát triển kinh tế”.
Diện mạo quê hương ngày thêm đổi mới, điểm nhấn là hàng rào cây xanh, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, tâm huyết: “Ấp 2 là một trong những ấp điểm của xã trong xây dựng NTM. Ðến nay đời sống bà con đã ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Ðạt kết quả này cũng nhờ ý thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần cần cù, chịu khó vươn lên thoát nghèo của người dân”.
Con lộ nông thôn dọc theo kênh Nước Phèn là minh chứng cho sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với Nhân dân trong quá trình xây dựng NTM. Anh Trần Văn Trường ở Ấp 2, phấn khởi: “Con lộ này trước đây 2 m ngang, giờ mở rộng thêm 1 m nữa, xe cộ đi lại dễ dàng, xe hơi chạy tới nhà”.
Anh Trần Văn Trường (bên phải) thường xuyên cắt tỉa hàng hào cây xanh trước nhà, góp phần cùng với địa phương xây dựng NTM.
Tích cực tuyên truyền trồng cây, tạo mỹ quan môi trường, cần cù với ruộng vườn, thực hiện mô hình lúa - tôm kết hợp, ông Vũ Lang, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Ấp 2, cho biết: “Xóm làng khởi sắc, đời sống người dân cũng ngày càng phát triển. Dù quê ở Bắc Ninh, nhưng về vùng đất này sinh sống, tôi xem đây là quê hương thứ hai. Noi theo gương Bác, dù tuổi cao tôi vẫn tích cực lao động, góp một phần nhỏ xây dựng quê hương”.
Đảng viên trẻ xứ rừng Huỳnh Mộng Thuỳ (bên trái) luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào sản xuất, phát triển kinh tế.
Tích cực thi đua lao động, xây dựng NTM, bà con phát triển kinh tế với mô hình lúa hữu cơ và một số mô hình hiệu quả khác. Ðiển hình như chị Huỳnh Mộng Thuỳ, đảng viên trẻ, Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 2, sau gần 3 năm làm kinh tế tại địa phương đã có những thành công nhất định, đặc biệt là mô hình nuôi ốc bươu đen cho lợi nhuận cao.
Ông Lê Thanh Mãi cho biết thêm: “Ðối với Ấp 2 thì mọi vấn đề đều đạt “nhất”, đặc biệt là phát triển kinh tế của bà con tuyến kênh Nước Phèn, là hình mẫu để ấp khác học hỏi”./.
Theo NHẬT MINH (Báo Cà Mau)