Gần 3 tháng nay, cả vùng mía nguyên liệu hơn 5.500 ha của tỉnh Trà Vinh không có nơi tiêu thụ, hàng nghìn ha mía trổ cờ trắng, chết khô ngoài đồng. Nguyên nhân, do nhà máy của Công ty CP Mía đường Trà Vinh phải cải tạo, nâng cấp công suất nên chậm hoạt động. Ngày 19/1, công ty bắt đầu thu mua mía nguyên liệu và chính thức đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, người trồng mía vẫn lo nhiều hơn mừng.
Mía thu hoạch muộn nên năng suất và trữ lượng đường giảm sút nhưng việc thu mua mía vẫn còn nhiều chậm trễ.
Dù năng suất ước đạt hơn 10 tấn/công nhưng vì mía bị khô nên 3,5 công mía của ông Thạch Đâu ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chỉ được thương lái trả 6 triệu đồng/công mía đứng. Với mức giá này, theo cách tính toán của ông Đâu mỗi công mía bị lỗ khoảng 3 triệu đồng, chưa kể công lao động của gia đình. Dù rất rẻ cũng phải bán, nếu không mía tiếp tục bị khô và giá tiếp tục giảm.
“Mía lẽ ra phải được thu hoạch từ 1,5 tháng trước nhưng nhà máy không thu mua nên nông dân không biết bán cho ai. Thu nhập vụ mía được 6 triệu đồng chỉ cần tính sơ sơ chi phí nông dân cũng đã lô khoảng 3 triệu đồng, đấy là chưa tính công chăm sóc”, ông Đâu cho biết.
Còn ông Thạch Tanh, người đã có 15 năm gắn bó với cây mía cho rằng, chưa có năm nào người trồng mía khó khăn như năm nay, đầu vụ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, đến mía chín lại không có người mua, và đến khi nhà máy đường thu mua thì mía giảm chữ đường. Nếu chính quyền không có chính sách hỗ trợ, rất nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư.
“Nông dân làm mía năm nay dù có bán được mía nhưng vẫn bị mang nợ vì trồng mía không có lãi. Từ khi nhà máy đường đi vào hoạt động đến nay, năm nay là năm khó khăn nhất. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ, sắp tới người trồng mía sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thạch Tanh than phiền.
Theo báo cáo của địa phương, chỉ riêng xã Lưu nghiệp Anh, huyện Trà Cú – địa phương chuyên canh mía, hiện đã có 140 ha mía bị thiệt hại 40% năng suất, ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng và con số này có khả năng tiếp tục tăng.
Trong khi đó, giá mía mà công ty công bố thu mua tại nhà máy là 900.000 đồng/tấn đối với mía sạch loại 10 chữ đường, tức giảm 120.000 đồng/tấn so với vụ mía năm ngoái.
Và mía thu hoạch muộn cứ giảm 1 chữ đường, nông dân lại mất thêm 90.000 đồng/tấn. Với mức giá này, nếu năng suất mía 120 tấn/ha và đạt 10 chữ đường thì người trồng mía mới hòa vốn, nhưng với tình hình hiện nay rất ít diện tích mía đạt được như vậy.
Ông Sơn Nê, Phó chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, việc nhà máy chế biến đường chậm hoạt động khiến mía bị khô, làm giảm năng suất và chữ đường, nên thương lái vào mua với giá rất rẻ, gây thiệt hại lớn cho bà con.
“Trước khó khăn trên, UBND xã cũng đã chủ động báo cáo với huyện, đồng thời đang kiến nghị cấp trên nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ những hộ có mía bị giảm năng suất, chữ đường về giống hoặc phân bón để bà con tiếp tục tái đầu tư”, ông Nê trăn trở.
Từ nhiều năm nay cây mía không giữ được “vị ngọt” với nông dân, họ luôn bị động trước giá cả và hoàn toàn phụ thuộc đầu ra bởi sự độc quyền của công ty mía đường đóng trên địa bàn. Do đó một khi thị trường diễn biến bất lợi hoặc vì lý do nào đó nhà máy không hoạt động thì hậu quả luôn thuộc về nông dân.
Theo VOV