Khi vỏ xe cũ... biến hình

10/11/2022 - 09:23

Anh Trần Hoàng Kha, ngụ ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu công việc tái chế vỏ xe cũ được gần một năm nay.

Anh Kha miệt mài với công việc sáng tạo của mình

Trong không gian chật chội chỉ vài chục mét vuông, những chiếc vỏ xe đen nhám được chất chồng lên nhau, chờ được đôi tay tỉ mỉ của anh Kha gia công, biến thành những sản phẩm gia dụng đa dạng, như: bàn, ghế, chậu cá, chậu cây...

Những ga-ra xe trong vùng thải ra lượng phế liệu rất lớn. Anh Kha mua về, tận dụng chúng làm đồ trang trí hay gia dụng. Anh bỏ ra khoảng 1-2 triệu đồng là mua được 100 vỏ các loại: xe máy, xe đạp, xe hơi các loại.

Qua bàn tay sáng tạo của anh Kha, chậu cây làm từ vỏ xe có kích cỡ nhỏ nhất cũng có giá 80.000 đồng/chiếc. Một bộ bàn ghế hoàn chỉnh bán được giá khoảng 5 triệu đồng, làm theo ý tưởng của khách hàng.

Biết tìm tòi, học hỏi cộng với bản tính cần cù siêng năng của mình, anh Kha chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để cho ra đời những sản phẩm đạt tính thẩm mỹ, đem lại lợi ích kinh tế, góp phần giảm lượng rác thải để bảo vệ môi trường.

Vỏ xe cũ thành chậu hoa xinh xắn

Bộ sô pha làm bằng vỏ xe trông rất chắc chắn

Anh Kha cho biết những sản phẩm từ vỏ xe dễ dàng được người dùng ưa chuộng vì có giá xấp xỉ với các sản phẩm được làm bằng chất liệu khác nhưng về thời gian sử dụng thì có phần nhỉnh hơn do ít bị tác động, bào mòn.

Mỗi tháng, anh Kha thu nhập khoảng 4 triệu đồng từ công việc này, đồng nghĩa có gần 40 sản phẩm các loại được xuất tới tay người tiêu dùng. Anh cho rằng đây là công việc lấy công làm lời, dù hiện tại thu nhập chưa cao nhưng anh vẫn thích và mong muốn theo đuổi lâu dài.

Chuyển từ thợ điện lạnh sang làm công việc mới lạ này là một quyết định táo bạo của anh Kha. Lúc đầu, gia đình anh phản đối vì cho rằng không khả thi, thu nhập không ổn định cho gia đình. Khi đó, các sản phẩm của anh rất kén người mua vì khách hàng chưa sử dụng các mặt hàng từ vật liệu này bao giờ nên họ chưa biết sự tiện ích mà nó mang lại.

Nhưng anh Kha đã chứng minh điều ngược lại, dù cho điểm xuất phát với vô vàn những chông gai nhưng nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp sức của gia đình, đặc biệt là Đoàn Thanh niên xã Tân Tiến, hỗ trợ 50 triệu đồng để anh có vốn mua nguyên vật liệu, anh đạt được mục tiêu của mình. Gần một năm khởi nghiệp, anh trở thành thành viên của Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Anh Kha bày tỏ sẽ không ngừng học hỏi để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đẹp mắt hơn nhằm lan tỏa thông điệp tái chế phụ, phế phẩm thành đồ dùng có ích. Bên cạnh đó, anh cũng nhận dạy nghề miễn phí cho các thanh niên có nhu cầu học hỏi và theo đuổi công việc "đa lợi ích" này.

Theo Người lao động