Vụ lúa Đông Xuân 2019- 2020 đối mặt nhiều thách thức.
Nhận diện khả năng xâm nhập mặn
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong mùa khô này, khả năng xâm nhập mặn tại Vĩnh Long theo hướng sông Cổ Chiên gồm toàn bộ cù lao Dài thuộc huyện Vũng Liêm; trên đất liền khu vực Cái Hóp, Nàng Âm (2 sông này đã có cống ngăn mặn), sông Vũng Liêm (cống Vũng Liêm), Trường Định (cống Cái Tôm), sông Măng Thít và các xã thuộc 2 huyện Vũng Liêm, Mang Thít.
Theo hướng sông Hậu, toàn bộ cù lao Mây thuộc huyện Trà Ôn; trên đất liền khu vực rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn, các xã thuộc huyện Trà Ôn và một phần huyện Tam Bình.
Theo kịch bản xâm nhập mặn được đưa ra, từ 24- 28/12/2019 (nhằm con nước đầu tháng Chạp) và từ ngày 8- 12/1/2020 (nhằm con nước rằm tháng Chạp), có khả năng độ mặn tại vàm Măng Thít, vàm Tân Dinh (Trà Ôn) từ 1- 3‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (Vũng Liêm) từ 3- 5‰ thì khả năng mặn ảnh hưởng không lớn.
Đối với kịch bản 2, từ ngày 23- 28/1/2020 (nhằm con nước mùng 1 tháng Giêng), độ mặn tại vàm Măng Thít (Quới An, Chánh An), vàm Tân Dinh (Trà Ôn) xấp xỉ 3- 5‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (Vũng Liêm) từ 6- 8‰, trong nội đồng từ 1- 2‰. Độ mặn này tiếp tục duy trì ở các đợt triều cường và giảm dần đến giữa tháng 3/2020 nếu xuất hiện mưa và có xả nước ở thượng nguồn.
Về sản xuất, nguy cơ rủi ro diện tích chuyên lúa 40.000ha và diện tích chuyên rau màu khoảng 4.500ha (bao gồm diện tích đất sản xuất nhiễm mặn và thiếu nước).
Cụ thể, diện tích vụ Đông Xuân, Hè Thu chịu tác động kép nhiễm mặn và thiếu nước Vũng Liêm 16.000ha, Trà Ôn 2.000ha; diện tích chỉ bị thiếu nước Tam Bình 15.000ha, Long Hồ 4.000ha. Tổng diện tích nguy cơ rủi ro vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019- 2020 dự báo khoảng 60.000ha.
Đối với nước sinh hoạt, 30 trạm cấp nước sẽ chịu ảnh hưởng mặn gồm Vũng Liêm 17 trạm, Tam Bình 9 trạm và Trà Ôn 4 trạm. Số hộ dân ảnh hưởng do nguồn nước bị nhiễm mặn là 66.200 hộ.
Kế hoạch sản xuất có tính đến rủi ro hạn, mặn
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ Đông Xuân 2019- 2020 đang trong bối cảnh thời tiết, khí tượng, thủy văn những tháng cuối năm 2019, đầu 2020 sẽ diễn biến phức tạp.
Đỉnh lũ đầu nguồn thấp hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ xâm nhập mặn trong mùa khô vẫn ở mức cao và khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1- 2 tháng. Ranh mặn 4‰ vào sâu 40- 67km, cao hơn 10- 15km so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2016 từ 6- 27km.
Đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường. Như vậy, khả năng hạn, mặn, thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất có thể xảy ra từ cuối vụ Đông Xuân 2019- 2020.
Giải pháp tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân trong tình hình hạn, mặn, theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất vụ Thu Đông và thời gian cung cấp nước, lượng nước có khả năng phục vụ tưới cho sản xuất lúa.
Theo đó, chỉ bố trí sản xuất lúa Đông Xuân 2019- 2020 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt cho đến lúc giai đoạn lúa ngậm sữa, tối thiểu 1.000m3 nước/ha từ giai đoạn trổ đến chín.
Bên cạnh, căn cứ vào dự báo tình hình phát sinh, phát triển của các loài dịch hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa như theo thông báo các đợt rầy nâu di trú của Cục Bảo vệ thực vật để xuống giống tập trung né rầy cũng như tùy vào tình hình thủy triều để xuống giống kết hợp với các biện pháp quản lý hiệu quả rầy nâu ngay từ đầu vụ.
Phương án sản xuất lúa có tính đến khả năng xâm nhập mặn, thiếu hụt nguồn nước được điều chỉnh giảm diện tích lúa còn 53.847ha (tức giảm 2.153ha so với kế hoạch chung của tỉnh). Theo đó, các địa phương giảm diện tích lúa theo phương án trên là Long Hồ, Mang Thít, TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.
Diện tích lúa Đông Xuân 2019- 2020 có khả năng bị hạn, mặn khoảng 3.602ha, chiếm 6,43% diện tích lúa toàn tỉnh, trong đó Vũng Liêm 1.790ha, Trà Ôn 1.672ha và Mang Thít 140ha.
Diện tích cần chuyển đổi là 2.653ha chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái khác thích ứng tốt với điều kiện hạn mặn. Riêng vùng cây ăn trái dễ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn được xác định tại các xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) và Lục Sĩ Thành (Trà Ôn).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đưa ra khuyến cáo việc bố trí thời vụ chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa và hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Cơ cấu giống lúa được ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, giống có thời gian sinh trưởng từ 90- 105 ngày, đặc biệt là nhóm giống lúa bổ sung thích ứng tốt với hạn, mặn như LH8, OM 18, OM 2517, OM 9577, OM 9955,…
Đối với rau màu, cây ăn trái xuống giống thích hợp từng vùng chuyên màu, 2 màu- 1 lúa, 2 lúa- 1 màu. Trong đó chú trọng chuyển dịch tăng diện tích màu trên đất lúa, màu xen vườn cây ăn trái trong vụ Đông Xuân. Riêng rau màu cung ứng dịp Tết Nguyên đán tập trung xuống giống đồng bộ với lúa Đông Xuân để kịp thời xuống giống vụ Hè Thu.
Theo Báo Vĩnh Long