Hệ thống kho trữ lạnh phục vụ logistics tại Cảng Cần Thơ dự kiến nằm trong phần đất dự trữ phát triển Cảng Cái Cui giai đoạn II. Trong ảnh: Một góc Cảng Cái Cui trực thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV
Phát triển nhưng chưa tương xứng
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, ÐBSCL sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, chủ yếu phân bố tại Long An, TP Cần Thơ và Hậu Giang. ÐBSCL có khả năng cung cấp khoảng 239.950 pallet, chiếm khoảng 48% tổng năng lực kho lạnh của Việt Nam. Mặc dù hệ thống kho lạnh được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng xét về tổng thể, logistics ở ÐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, trăn trở: Các mặt hàng nông sản, thủy sản đòi hỏi phải vận chuyển nhanh hoặc thu hoạch xong có nơi bảo quản, sơ chế đúng, đủ tiêu chuẩn. Các kho lạnh, kho mát hay nơi tập kết hàng nông sản tại ÐBSCL được đầu tư nhưng còn nhỏ lẻ, trừ một số doanh nghiệp chuyên về mặt hàng gạo, cám, thủy sản đầu tư kho còn lại các mặt hàng trái cây, rau củ chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn. Ða số sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển về Ðồng Nai sơ chế, bảo quản, lưu kho, đóng hàng vào container để xuất khẩu. Chi phí đầu tư cho kho lạnh, mát tốn kém; hàng hóa trái cây, rau củ đa số đi theo đường tiểu ngạch nên bị động và rất dễ được mùa nhưng mất giá.
Vì còn nhiều hạn chế trong hoạt động xuất khẩu tại các cảng trong khu vực ÐBSCL nên phần lớn các kho lạnh phân bố tại Long An đóng vai trò như các kho vệ tinh nhằm vận chuyển lên khu vực TP Hồ Chí Minh phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Phần lớn các kho hàng tổng hợp có quy mô nhỏ, thiếu trang thiết bị hiện đại và phân bố chủ yếu tại Long An, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Hiện tại, ÐBSCL chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa, chỉ là những kho bãi tập kết hàng hóa, các kho lạnh, kho mát trữ hàng cho thuê của các doanh nghiệp đầu tư. Trung tâm logistics hạng 2 tại TP Cần Thơ được Thủ tướng phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, làm cho các doanh nghiệp trong ngành logistics chưa có điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng vốn đang gặp khó khăn trong thời gian qua.
Cần Thơ với vai trò là trung tâm của vùng và Long An với vị trí kế cận TP Hồ Chí Minh cần được tập trung xây dựng các trung tâm logistics hiện đại để thúc đẩy sự phát triển logistics của vùng. Khi các địa phương tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, phát triển hệ thống logistics sẽ tăng khả năng kết nối các trung tâm cung ứng nông sản lớn. Các doanh nghiệp sẽ quy tụ để cùng giao thương, mua bán, không cần đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng nguyên liệu để chọn lựa.
Tìm cơ hội mới
Việc đầu tư hệ thống kho lạnh với công nghệ bảo quản nông sản sạch, hiện đại sẽ góp phần khắc phục tình trạng nông sản được mùa mất giá, thiếu hàng khi trái vụ, chất lượng và thời gian tiêu thụ bị giảm sút do điều kiện bảo quản không đảm bảo, nguồn hàng không chủ động, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và sau nhập khẩu quá cao.
Mới đây, Công ty CP Cảng Cần Thơ vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH DS Partners, doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc để cùng hợp tác phát triển lĩnh vực logistics. Ông Lâm Tiến Dũng, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Cảng Cần Thơ, cho biết: Theo biên bản ghi nhớ, Cảng Cần Thơ và DS Partners sẽ triển khai nghiên cứu khả thi xây dựng và khai thác hệ thống kho trữ lạnh phục vụ logistics tại Cảng Cần Thơ. Dự án trong phần đất dự trữ phát triển Cảng Cái Cui giai đoạn II do TP Cần Thơ quản lý (nằm cạnh bến Cảng Cái Cui thuộc Cảng Cần Thơ). Theo đó, Cảng Cần Thơ sẽ đồng hành cùng DS Partner làm việc với cơ quan chức năng ở TP Cần Thơ để đề nghị xây dựng đề án tổng thể và trước mắt triển khai ở phần diện tích 15ha tại Cảng Cần Thơ trên cơ sở phân kỳ đề xuất với địa phương thực hiện đấu giá để trở thành nhà đầu tư trong
khu vực này.
Theo ông Nguyễn Quang Văn, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH DS Partner, vùng ÐBSCL và TP Cần Thơ được Trung ương quan tâm dành nhiều quyết sách quan trọng trong đó có việc ưu tiên phát triển lĩnh vực logistics. Nếu không nhanh chóng nắm bắt, doanh nghiệp sẽ bị chậm chân hơn và đánh mất cơ hội. Do đó, quyết tâm của DS Partner và Cảng Cần Thơ là bắt tay ngay vào nghiên cứu, thiết kế dự án và mong muốn các cơ quan thẩm quyền của thành phố nhiệt tình hỗ trợ để doanh nghiệp sớm hoàn thiện đề án trình UBND thành phố để sớm hiện thức hóa nội dung ký kết.
Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, logistics là lĩnh vực rất quan trọng góp phần thu hút đầu tư cho thành phố và vùng ÐBSCL nói chung. Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư dự án trung tâm logistics hạng II của vùng với diện tích 242ha gắn với Cảng Cái Cui và quy hoạch phát triển trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Ðây là 2 dự án logistics quan trọng của thành phố được đưa vào quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 để triển khai thực thi. Bên cạnh đó, thành phố cũng tranh thủ được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp logistics Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm, mời gọi đầu tư với mong muốn trong thời gian sớm nhất sẽ có hạ tầng logistics để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo.
Theo Báo Cần Thơ