Kiên Giang chi 31 tỷ đồng đảm bảo nước sinh hoạt cho hơn 30.200 hộ dân

08/02/2023 - 09:40

Tỉnh đầu tư nguồn kinh phí hơn 31 tỷ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố và xã, phường thị trấn, khắc phục tình trạng thiếu nước của một số khu vực vùng sâu.

A A

(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, qua khảo sát, thống kê ban đầu, hơn 30.200 hộ dân trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Giang Thành và một số đảo thuộc huyện Kiên Hải.

Tỉnh đầu tư nguồn kinh phí hơn 31 tỷ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố và xã, phường thị trấn, khắc phục tình trạng thiếu nước của một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Đơn vị chức năng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá-Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cho hồ Tà Tây cung cấp cho các nhà máy nước trên địa bàn thành phố Rạch Giá phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Tiếp đến, đơn vị chức năng vận hành cống Ba Hòn (Kiên Lương) kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá-Hà Tiên tại xã Hòa Điền, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương. Vận hành cống Hà Giang ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân khu vực biên giới.

Mặt khác, chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa, gồm Dương Đông (thành phố Phú Quốc), Bãi Nhà (Kiên Hải), hồ chứa nước ở một số xã đảo để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương thổi rửa các giếng khoan sẵn có, khoan thêm giếng khoan dự phòng, bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước, tăng khả năng khai thác, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước và điểm cấp nước tập trung. Rà soát, sửa chữa, thay thế những tuyến ống đã và đang xuống cấp, kéo dài tuyến ống phục vụ cấp nước cho hộ dân. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước đang xây dựng sớm hoàn thành đưa vào hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ngoài ra, tỉnh rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc những khu vụ vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có trạm cấp nước hoặc chưa có tuyến ống đi qua để đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 1m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp để có nước sử dụng.

Đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang cho biết, đối với hệ thống cấp nước thành phố Rạch Giá có hồ chứa nước Vĩnh Thông và kênh dẫn 560.000m3, công suất 58.000m3/ngày đêm và hệ thống cấp nước dự phòng 35.000m3/ngày đêm. Nếu gặp trường hợp sau 2 ngày không thu được nước vào hồ thì sẽ đưa các trạm xử lý cấp nước ngầm vào hoạt động và nhận nước từ Công ty Thạnh Lộc, Nhà máy nước Nam Rạch Giá. Thời gian duy trì cấp nước bình thường là 19 ngày, sau đó sẽ cấp bằng nguồn nước dự phòng 35.000m3/ngày đêm. Hiện nay, công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước mặt tại đây.

Đối với hệ thống cấp nước Hà Tiên-Hòn Chông-Kiên Lương, mạng lưới cấp nước này liên kết với nhau, do đó nếu khu vực Hòn Chông không thu được nước vào hồ chứa và tùy theo lượng nước còn lại trong hồ sẽ cắt giảm công suất và tiếp nhận nguồn nước từ Hà Tiên và Kiên Lương để đảm bảo cấp nước an toàn cho khu vực Hòn Chông.

Đối với hệ thống cấp nước thành phố Phú Quốc dung tích 5,5 triệu m3, tổng công suất phát ra 24.000m3/ngày đêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang phối hợp với đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều tiết cung cấp nước hợp lý nhằm duy trì hoạt động cung cấp nước cho người dân trên địa bàn đảo Phú Quốc liên tục và ổn định./.

Theo LÊ HUY HẢI (TTXVN/Vietnam+)