Kiên Giang: Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

08/01/2024 - 16:10

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp đồng hành giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.

A A

Nhằm giúp hội viên phụ nữ thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ; chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên phụ nữ để có hình thức hỗ trợ phù hợp.

“Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức ngày hội phụ nữ khởi nghiệp; tập huấn về khởi nghiệp, nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất tại địa phương. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn hội viên phụ nữ có dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương, tỉnh tổ chức...”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang Trần Thu Hồng cho biết.

Chị Phạm Thu Trang, ngụ phường Tô Châu, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) giới thiệu sản phẩm mắm của gia đình sản xuất.

Các cấp hội phụ nữ tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia phát triển kinh tế tập thể. Các cấp hội hỗ trợ 57.873 hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 1.991 tỷ đồng.

Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cấp hội rà soát hộ nghèo, cận nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn, giới thiệu việc làm; duy trì vốn tiết kiệm, góp vốn xoay vòng; hội viên phụ nữ giúp nhau giảm nghèo. Các cấp hội lồng ghép chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt trong các cuộc sinh hoạt hội... 

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Chà, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Minh hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư máy xới đất, hệ thống tưới nước và mua hạt giống. Chị cải tạo đất vườn, làm hệ thống tưới, mua hạt giống trồng các loại cải, gừng…

Hàng tháng, chị Chà thu hoạch rau, gừng khoảng 450kg, với giá bán từ 12.000-16.000 đồng/kg trừ chi phí chị thu lãi 7 triệu đồng/tháng. “Mô hình trồng rau, gừng đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi, từ đó tôi có điều kiện lo cho con ăn học”, chị Chà chia sẻ.

Chị Phạm Thu Trang sinh ra và lớn lên tại TP. Rạch Giá, sau khi lập gia đình, chị theo chồng về phường Tô Châu, TP. Hà Tiên (Kiên Giang)  sinh sống. Cuộc sống gia đình chị phụ thuộc vào tiền lương ít ỏi của chồng chị làm công nhân nên rất khó khăn, thiếu trước, hụt sau. Thấy cuộc sống vất vả, chị Trang bàn với chồng mở sạp bán ba khía và cà xỉu muối tại chợ TP. Hà Tiên. Chị thu mua ba khía và cà xỉu sống về chế biến và bán lẻ tại chợ.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm trong mua bán nên sản phẩm của chị Trang bán ra ít, chủ yếu phục vụ người dân địa phương. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, chị Trang hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm để thu hút du khách và quảng bá sản phẩm. 

Để tạo điều kiện giúp chị Trang thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tô Châu hỗ trợ chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Tiên để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chị Trang bán sản phẩm tại chợ và bán online trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.

“Qua thời gian kinh doanh, khách hàng của tôi ngày càng nhiều. Tôi thấy nhu cầu về sản phẩm của khách hàng đa dạng hơn, cần phải trang bị máy móc, thiết bị. Sau khi trả vốn cho ngân hàng, tôi vay thêm 70 triệu đồng từ ngân hàng để sản xuất mắm ghẹ, mắm mực, mắm tôm, mắm ruốc... và hoàn thiện bao bì, thương hiệu cho sản phẩm vừa đẹp vừa chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, chị Trang nói.

Việc kinh doanh của chị Trang ngày càng phát triển. Chị có thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 2 triệu đồng/tháng/người. Sản phẩm cà xỉu muối của chị Trang đạt sản phẩm OCOP 3 sao theo Quyết định số 121/QĐ-UBND, ngày 17-1-2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đồng chí Trần Thu Hồng để đồng hành cùng hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội thường xuyên nắm nhu cầu phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ để có hướng giúp đỡ phù hợp, duy trì và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh...

Theo THỦY TIÊN (Báo Kiên Giang)