Kiên Giang: “Già làng” ở xã đảo Thổ Châu

03/04/2023 - 14:42

Năm nay, xã Thổ Châu, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) tròn 30 năm thành lập thì ông Huỳnh Hữu Hiệp (68 tuổi) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu cũng có ngần ấy năm sống, công tác ở xã đảo. Ông Hiệp được người dân ví là “già làng” của xã đảo, bởi ông hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, rõ từng ngóc ngách trên đảo.

A A

ĐẾN XÃ TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU

Gia đình ông Hiệp quê ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang), di dân ra đảo Thổ Châu để lập nghiệp theo chủ trương di dân của UBND tỉnh Kiên Giang từ cuối tháng 2-1993.

Ngày 24-4-1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/1993/NĐ-CP về việc thành lập xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc, nay là TP. Phú Quốc.

Thổ Châu là xã biên giới hải đảo nằm ở phía tây nam của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên 1.395,16ha, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, cách phường Dương Đông (TP. Phú Quốc) khoảng 100km, cách TP. Rạch Giá khoảng 220km. Hiện xã chỉ có 1 ấp Bãi Ngự với 8 tổ nhân dân tự quản, 549 hộ dân với 1.899 nhân khẩu, trong đó có 16 hộ dân tộc Khmer.

Ông Huỳnh Hữu Hiệp (bên phải) thăm hỏi chuyện làm ăn, buôn bán của người dân ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu.

Nhớ lại thời gian đầu ra đảo, ông Hiệp kể lúc bấy giờ trên đảo chỉ có vài chục hộ dân, đảo còn rất hoang sơ.

“Hồi ấy vợ chồng tôi dựng một căn nhà nhỏ để ở. Nhà dựng bằng cây, vách bằng lá dừa, nóc che bằng nê bồ chứa lúa rồi lấy giấy dầu trải lên phía trên. Vợ tôi lấy vải về bán và may đồ kiếm sống, tôi phụ giúp vợ. Sau này, tôi tham gia công tác, vợ tôi cũng làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thổ Châu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cùng với người dân quyết tâm trụ lại, góp sức giữ gìn và xây dựng xã đảo”, ông Hiệp kể.

Năm 1994, ông Hiệp được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã, rồi Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã. Tháng 8-2009, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Đến tháng 8-2015, ông Hiệp nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương khi được nhân dân bầu làm Trưởng ấp Bãi Ngự, thời gian sau được bầu kiêm nhiệm Bí thư chi bộ ấp cho đến nay.

Ông Hiệp kể những năm đầu thành lập xã, chủ trương của UBND xã Thổ Châu là vận động nhân dân bám xã đảo giữ chủ quyền biển, đảo, khai thác hải sản phát triển kinh tế. Do điều kiện đặc thù, trên địa bàn xã không có đất sản xuất lúa nên người dân lúc đầu chủ yếu khai thác thủy sản, sau dần chuyển sang khai thác và nuôi trồng. Cùng với đó, thương mại, dịch vụ, hậu cần nghề cá cũng dần phát triển.

VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN XÂY DỰNG XÃ ĐẢO

Đất sản xuất nông nghiệp của xã Thổ Châu rất hạn hẹp, không có quỹ đất để mở rộng sản xuất, thời gian đầu người dân không tự chủ được lương thực. Trước tình hình đó, ông Hiệp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền khuyến khích, vận động nhân dân tận dụng đất vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu...

Từ chỗ những năm đầu không tự chủ được lương thực thì đến năm 2015, sản lượng lương thực của xã đạt 216,1 tấn và trồng rau màu, cây ăn trái các loại đạt 148,6 tấn. Đến năm 2020, sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đạt 248 tấn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Hồ Thị Giao Ha cho biết: “Đồng chí Hiệp gương mẫu, tích cực vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả việc tham gia phong trào phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân và cấp ủy, chính quyền, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ở xã đảo Thổ Châu hỏi về tình hình đời sống hộ dân, ông Hiệp dễ dàng kể rõ hộ đó đến đảo năm nào, làm gì sinh sống, khó khăn hay khá giả ra sao. Hộ này đông con nhưng chịu khó làm ăn, hay hộ kia nhờ nuôi cá, bán tạp hóa mà vươn lên khá giả…

Tất cả được ông Hiệp kể rõ vanh vách bởi ông gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu và đề xuất tham mưu Đảng ủy, UBND xã giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân. Đặc biệt, ông Hiệp cùng tập thể tổ hòa giải ở cơ sở tổ chức vận động, hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng, góp phần xây dựng tình đoàn kết xóm làng.

Những năm qua, ông Hiệp cùng ban lãnh đạo ấp phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư trên địa bàn xã, tổ chức cho người dân đăng ký, thực hiện với kết quả hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Hàng năm, ông tham gia vận động quỹ vì người nghèo, bình quân xây từ 1-2 căn nhà đại đoàn kết, kinh phí từ 50-70 triệu đồng/căn cho hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Chị Phan Thị Hoàng, ngụ ấp Bãi Ngự nói: “Chú Hiệp sống và công tác lâu năm ở xã đảo, làm nhiều việc thiết thực cho nhân dân nên được bà con ở đây tin tưởng, quý mến”. 

Hình ảnh ông Hiệp với nụ cười tươi, tới lui nhà dân hỏi han chuyện làm ăn, nắm bắt tình hình trong nhân dân để có những đề xuất, kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, giải pháp chăm lo cho nhân dân đã quen thuộc với người dân xã đảo Thổ Châu.

Ông Hiệp chia sẻ: “Khi vào Đảng tôi đã thề phục vụ Đảng đến hơi thở cuối cùng. 47 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng tôi luôn ghi nhớ lời thề đó, khi nào Đảng còn tin tưởng, nhân dân còn tin yêu, tôi còn sức khỏe thì còn tiếp tục góp sức cống hiến”.

Theo Báo Kiên Giang