Kiên Giang: Mùa săn ảnh chim hải âu

20/02/2023 - 14:15

Tháng 2 và 3 hàng năm, những đàn chim hải âu bay về trước cửa sông Kiên, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) để săn cá đồng theo con nước ra biển. Mùa hải âu di trú tìm mồi là dịp giới nhiếp ảnh săn ảnh. Theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh, để có tác phẩm đẹp, ưng ý, mỗi buổi chụp phải bấm máy đến cả ngàn bức ảnh, vì vậy mùa săn ảnh hải âu còn được giới nhiếp ảnh gọi là “mùa phá máy”.

A A

Các nghệ sĩ săn ảnh chim hải âu tại cửa sông Kiên, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Cũng như mọi năm, địa điểm thu hút giới săn ảnh hải âu là quán cà phê nằm ngay cửa sông Kiên đổ ra biển và cũng là địa điểm quen thuộc của những chú hải âu đến tìm mồi.

Từ sau Tết Nguyên đán là lúc nước ở các nhánh sông, kênh từ nội đồng chảy qua hệ thống cống ngăn mặn đổ ra biển, mang theo nhiều loại cá nước ngọt. Những con cá này gặp nước mặn bị sốc, phơi mình lên mặt nước. Chỉ chờ vậy, những con chim hải âu nghiêng mình lao thẳng xuống biển đớp mồi, tạo nên khoảnh khắc đẹp cho nhiếp ảnh gia trên bờ liên tục bấm máy…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Thị Huỳnh cho biết: “Hàng năm, khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch, chim hải âu bay về tìm thức ăn nhiều. Đây là dịp để giới nhiếp ảnh chụp ảnh nghệ thuật. Những cú đớp, tranh giành mồi, bay lượn, đảo cánh của loài chim này tạo cảnh đẹp mắt, huyên náo vào sáng sớm và buổi chiều trên mặt biển, thế là tôi bấm máy”.

Theo giới nhiếp ảnh, chụp ảnh hải âu đẹp cần có thiết bị máy ảnh chất lượng, đáp ứng tiêu chí cơ bản như máy có độ nhạy (ISO) cao, tốc độ cao, ống kính tiêu cự dài (tele) cỡ 70-200mm, 150-500mm… Ngoài ra, nghệ sĩ nhiếp ảnh còn chuẩn bị chân máy để không mỏi tay do cầm máy quá lâu. Yếu tố quan trọng để chụp được những bức ảnh đẹp là vị trí đặt máy và ánh sáng.

Chim hải âu tranh mồi, đớp mồi là khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Thị Huỳnh chia sẻ: “Điều quan trọng trong chụp ảnh hải âu là cú đớp mồi với động tác rất nhanh. Để có được bức ảnh đẹp ngoài máy tốt còn phải có kinh nghiệm của người chụp và yếu tố may mắn. Năm nay, giới săn ảnh hải âu phấn khích hơn vì có sự xuất hiện của vài con cò trắng tranh cướp mồi với chim hải âu, tạo nhiều khoảnh khắc đẹp, ấn tượng”.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Danh Hiệp - Phân hội trưởng Phân hội nhiếp ảnh Kiên Giang, mỗi cú đớp mồi của hải âu diễn ra nhanh, khoảng vài giây, trong đó khoảnh khắc hải âu đớp mồi diễn ra trong tích tắc, khoảng độ phần trăm, thậm chí phần ngàn giây, do đó người chụp ảnh phải căng mắt quan sát chuyển động của hải âu, di chuyển ống kính theo sự chuyển động đó và bấm máy đúng vào thời điểm hải âu đớp mồi.

“Muốn chụp được khoảnh khắc hải âu đớp mồi, giới nhiếp ảnh phải sử dụng máy chuyên nghiệp, độ bắt sáng tốt, chế độ chụp nhanh và liên tiếp với các dòng máy ảnh giá cao, có khi đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, mỗi buổi chụp hải âu, để có những tác phẩm đẹp, ưng ý nhất, mỗi nghệ sĩ phải bấm máy trên dưới cả ngàn bức ảnh, bởi vậy mùa săn ảnh hải âu còn được giới nhiếp ảnh gọi “mùa phá máy” vì chỉ có chụp loài chim này mới chụp nhiều và làm cho máy ảnh xuống cấp nhanh nhất”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Danh Hiệp nói.

Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh chia sẻ, muốn chụp được khoảnh khắc đẹp của chim hải âu đớp mồi, người chụp phải chỉnh máy theo chế độ chụp liên tiếp. Tùy theo máy ảnh chế độ này chụp được 6, 9 bức ảnh/giây hoặc nhiều hơn. Hiện thị trường xuất hiện loại máy ảnh không gương lật có thể chụp tốc độ cao hơn, chất lượng ảnh tốt hơn dòng máy cũ, tuy nhiên nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn tin dùng các dòng máy gương lật (DSLR) với tốc độ chụp liên tiếp 12 và 14 ảnh/giây.

“Những người đam mê nghệ thuật sẵn sàng đánh đổi việc “phá máy” với việc có bức ảnh đẹp, ưng ý. Những bức ảnh hải âu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Kiên Giang thời gian qua đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên nhiều tên tuổi trong làng nhiếp ảnh Việt Nam”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Danh Hiệp nói.

Theo Báo Kiên Giang