Kiên Giang: Nông thôn An Biên khởi sắc

10/05/2023 - 09:28

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện An Biên (Kiên Giang) đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước nâng lên. Nổi bật, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Giai đoạn 2011-2021, huyện An Biên vận dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp đóng góp trên 1.135 tỷ đồng. Huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các nội dung trọng điểm của địa phương, thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông xã, ấp được đầu tư cứng hóa đạt 96,18%. Điện sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất phục vụ văn hóa ngày càng hoàn thiện, tạo đà cho sự phát triển chung của huyện. 

Đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã Nam Yên về thị trấn Thứ Ba.

Huyện ủy, UBND huyện An Biên đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập người dân, từng bước giảm nghèo. 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Trang Minh Tú cho biết với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, An Biên xác định con tôm và cây lúa là 2 đối tượng nuôi chủ lực. Huyện xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phù hợp từng vùng sinh thái, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP.

An Biên đã xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gần 6.000ha, vùng sản xuất lúa - tôm diện tích 21.000ha phát triển theo hướng tôm sạch, lúa hữu cơ, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản 3.700ha, phát triển các mô hình nuôi công nghiệp công nghệ cao, vùng bãi bồi ven biển với diện tích 10.000ha nuôi sò, vẹm xanh…

Bên cạnh đó, An Biên chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phát huy hiệu quả, người dân nông thôn từng bước nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 59 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,72%.

Ông Ngô Trấn Khái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ tôm - lúa An Biên nói: “Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Người dân được tạo điều kiện phát triển kinh tế, tham gia hợp tác xã, làm ăn tập thể, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản. Nhờ vậy, đời sống bà con khấm khá hơn xưa”.

Căn cứ bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay, An Biên hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện hoàn tất hồ sơ trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thẩm định sơ bộ, trước khi đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đến thẩm định đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. 

Theo đồng chí Trang Minh Tú, đánh giá lại quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, sự vào cuộc của các ngành, địa phương còn có sự đóng góp rất lớn của nhân dân trên địa bàn huyện. Mỗi người dân thật sự đã trở thành chủ thể, quyết định sự thành công của chương trình xây dựng huyện nông thôn mới. 

Để giữ vững các tiêu chí, huyện tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường, thu nhập.

Mỗi địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia cùng chính quyền thực hiện tốt các chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.  

Theo THÙY TRANG (Báo Kiên Giang)