KHÓ CHEN CHÂN VÀO SIÊU THỊ
Sản phẩm chả lụa Minh Trí của cơ sở chả lụa Minh Trí, xã Tân An, huyện Tân Hiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tháng 5-2021. 3 tháng sau sản phẩm này có mặt tại Co.opmart Kiên Giang và một số cửa hàng bán lẻ trong tỉnh. “Sau khi kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở chúng tôi đã ký hợp đồng phân phối chả lụa tại Co.opmart Kiên Giang, từ đó sức tiêu thụ sản phẩm tăng lên rõ rệt”, ông Đinh Minh Trí - chủ cơ sở chả lụa Minh Trí nói.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện có 4 sản phẩm OCOP của Kiên Giang vào được siêu thị gồm gạo hữu cơ Kim Thiên Lộc của Hợp tác xã hữu cơ Rạch Giá, tiêu đen của hộ kinh doanh Ngô Hoàng Dũ, nước mắm của Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn, chả lụa của cơ sở sản xuất chả lụa Minh Trí. Thực tế cho thấy, con số này còn khá khiêm tốn so tổng số 176 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.
Quy trình sấy tôm khô của nông dân xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Bà Nguyễn Thị Quốc Thuận - Phó Giám đốc Co.opmart Kiên Giang cho biết: “Hầu hết sản phẩm của tỉnh chỉ mới chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thiếu quan tâm đầu tư mẫu mã, bao bì, do đó chưa tạo sức hút đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa chính là tính mùa vụ của sản phẩm”.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, chị Đoàn Thị Thảo, ngụ xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận mất cơ hội đưa sản phẩm tôm khô quảng canh vào một siêu thị tại TP. Rạch Giá. “Siêu thị có lấy mẫu để kiểm tra các chỉ số về an toàn, vệ sinh thực phẩm và đều đạt, nhưng cuối cùng lại không nhập hàng vì họ yêu cầu các thủ tục, mẫu mã tôi chưa đáp ứng được. Vì là cơ sở gia đình nên tôi cũng không đăng ký thuế, không có hóa đơn đỏ, từ đó không thể đưa hàng vào siêu thị”, chị Thảo nêu lý do.
GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Nắm bắt nhu cầu tìm mua đặc sản Kiên Giang của khách hàng, du khách gần xa khi đến mua sắm, ban giám đốc siêu thị CIC Mart Rạch Sỏi đã tìm hiểu và tìm cách kết nối với chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc sản tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Bà Ong Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ CIC Kiên Giang (Siêu thị CIC Mart Rạch Sỏi) cho biết: “Sản phẩm OCOP, đặc sản của Kiên Giang rất phong phú, nhiều triển vọng đưa vào phân phối tại siêu thị như mật ong, tinh bột nghệ, gạo sạch... Thế nhưng khi yêu cầu các thủ tục pháp lý thực hiện hợp đồng giao dịch kinh tế như hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì hầu hết chủ thể sản phẩm đều thiếu nên siêu thị chưa hợp tác được”.
Sản phẩm OCOP được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phần lớn có xuất xứ ngoài tỉnh.
Tháng 12-2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang phối hợp Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị kết nối giao thương. Tại hội nghị, có 25 biên bản ghi nhớ và hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của hai tỉnh được các doanh nghiệp ký kết.
Một khó khăn nữa là chi phí để sản phẩm OCOP vào được siêu thị còn quá cao, trong khi xuất phát điểm của chủ thể OCOP thấp và giá bán sản phẩm lại chưa thể cân đối.
Anh Đoàn Ngọc Dũng - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Nathea, huyện Tân Hiệp cho biết dù đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020, nhưng đến đầu năm 2023 anh mới đủ điều kiện và làm thủ tục cần thiết để đưa sản phẩm tinh dầu, bột nghệ hữu cơ của cơ sở vào siêu thị. “Để đáp ứng được các yêu cầu về hàng hóa bán tại siêu thị, ngoài chuẩn bị 5 danh mục giấy tờ cần thiết, cứ 6 tháng tôi còn tốn thêm khoản chi phí 5 triệu đồng để làm kiểm định chất lượng sản phẩm. Dù tốn kém nhưng vì đã xác định đưa sản phẩm vào siêu thị nên tôi sẽ cố gắng đầu tư”, anh Dũng chia sẻ.
Nhằm tiếp tục trợ lực để sản phẩm OCOP của tỉnh mở rộng kênh tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Lâm Quốc Toàn cho biết hội sẽ phối hợp các địa phương hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, phối hợp ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang sẽ chỉ đạo hội nông dân từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp tục hoàn thiện các yêu cầu cần thiết cho sản phẩm về tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn... để đủ điều kiện xúc tiến, giới thiệu đưa các sản phẩm địa phương vào siêu thị.
Theo Báo Kiên Giang