Kiên Giang: Sản xuất “thuận thiên”, nông dân nâng cao thu nhập

22/05/2023 - 14:34

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả được ngành nông nghiệp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Qua các mô hình sản xuất “thuận thiên” giúp nông dân ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống.

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là cây lúa. Nhiều vùng do mặn xâm nhập, thiếu nước, khô hạn vào mùa khô, nông dân sản xuất lúa 2 vụ không còn hiệu quả, năng suất và sản lượng thấp. 

Do đó, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của từng vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. 

Ước tính đến cuối năm 2022, tỉnh có 10 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Tổng diện tích thực hiện chuyển đổi 4.480,7ha gồm 264,2ha chuyển sang trồng các loại rau màu, 387,1ha chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái, 3.442,3ha thực hiện trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. 

Qua khảo sát, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi sang các mô hình trồng rau màu chuyên canh và luân canh lúa - màu các loại bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2,5-4 lần so trước khi chuyển đổi.

Lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15-25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh, từ 35-45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Đối với các diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận từ 55-65 triệu đồng/ha cho nông dân. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao hơn so trồng lúa và người dân cần khoảng thời gian từ 3-4 năm mới có thể thu hồi vốn.

Đối với các diện tích chuyển đổi từ chuyên lúa 2 vụ sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những vùng có điều kiện phù hợp giúp tăng thêm lợi nhuận bình quân 84 triệu đồng/ha. Đây là mô hình kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững đang được tỉnh định hướng mở rộng cho các huyện vùng U Minh Thượng, khu vực ven biển vùng tứ giác Long Xuyên.

Anh Phan Văn Ngọt, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) thu hoạch dưa hấu. 

Anh Phan Văn Ngọt, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) có 14 công đất sản xuất lúa 3 vụ/năm. Nhiều năm liền, sản xuất lúa vụ 3 không mang lại hiệu quả, anh Ngọt quyết định không sản xuất lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng dưa hấu.

“Với 14 công đất, vụ dưa này tôi ước lợi nhuận đạt 7 triệu đồng/công, cao gấp 2 lần so làm lúa vụ 3. Do diện tích sản xuất nhỏ, tôi nghĩ rằng nếu chỉ trông chờ vào sản xuất lúa thì chỉ đủ ăn, khó mà dư dả. Từ ngày chuyển sang trồng màu, gia đình có thu nhập ổn định hơn, tôi cũng có điều kiện lo cho con ăn học, mua sắm thêm tài sản trong nhà”, anh Ngọt nói.

Theo Hội Nông dân xã Mỹ Phước, không riêng gia đình anh Ngọt, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Thay vì gieo sạ 3 vụ lúa/năm, nông dân sản xuất 2 vụ đông xuân và hè thu, vụ còn lại người dân chuyển sang trồng sen, dưa hấu, rau các loại… thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/ha/vụ.

Tại huyện An Biên, những diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển đổi sang mô hình luân canh tôm - lúa. Với mô hình con tôm ôm cây lúa đã giúp nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra, vươn lên làm giàu.

Ông Võ Văn Lưỡng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Lợi (An Biên) chia sẻ: “Với 2ha đất sau khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, ước thu nhập từ nuôi tôm đạt gần 200 triệu đồng/năm, thu nhập từ sản xuất lúa mùa trên nền đất tôm khoảng 60 triệu đồng/năm. Với mô hình tôm - lúa, nông dân sống khỏe, không còn lo mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn diện tích chuyển đổi trên địa bàn tỉnh chưa được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, do đó còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu sự phát triển bền vững. 

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành các địa phương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa ở những địa bàn có điều kiện; phát triển vùng trồng rau màu theo hướng an toàn và gắn với ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sơ chế và bảo quản…; cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất các loại cây ăn quả phù hợp điều kiện địa phương, hướng tới sản xuất đạt chuẩn gắn với mã số vùng trồng.

Tổ chức sản xuất quy mô lớn, tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ, gắn với bảo quản, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Theo THIỆN NHÂN (Báo Kiên Giang)