Kiên Giang: Thu tiền tỷ từ vườn cây ăn trái theo hướng an toàn

20/03/2023 - 14:18

Chọn cho mình hướng đi riêng, ông Nguyễn Văn Thuần, ngụ ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa 2 vụ/năm sang vườn cây ăn trái theo hướng an toàn, kết hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng.

Với 81.000m2 đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, qua bàn tay chăm sóc của ông Thuần đã trở thành khu vườn cây ăn trái đa dạng với nhiều loại cây mang giá trị kinh tế cao.

Hiện vườn cây ăn trái của ông Thuần có trên 1.500 cây sapoche (hồng xiêm) đang cho trái. Ngoài ra, ông Thuần còn trồng xen thêm các loại cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng, nhãn…

Toàn bộ diện tích vườn được đầu tư hệ thống máy phun tưới tự động kết nối với thiết bị điện thoại thông minh. Không cần thuê nhân công tưới nước hàng ngày, ông Thuần có thể lên lịch, cài đặt giờ tưới nước cho cây, kiểm tra được độ ẩm của đất, từ đó điều chỉnh số lần tưới trong ngày.

Với phương pháp sản xuất theo hướng an toàn, các quy trình sản xuất được sự tư vấn, hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp liên kết sản xuất hỗ trợ. Tất cả quy trình chăm sóc đều được ông Thuần ghi chép tỉ mỉ vào sổ nhật ký để thuận tiện cho việc thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu. 

Ông Thuần cho biết: “Phần lớn phân bón được sử dụng cho vườn cây ăn trái đều là phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để hạn chế việc tồn lưu các hóa chất có hại tới sản phẩm và môi trường. Đến thời điểm thu hoạch, sản phẩm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu lấy mẫu, kiểm tra chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó được đóng gói và đem xuất khẩu”.

Với diện tích vườn rộng, để tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, ông Thuần kết hợp nuôi dơi và tự ủ phân hữu cơ từ cá, phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón tưới cho các loại cây trồng trong vườn. Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia và sự tìm tòi, tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, vườn cây ăn trái của ông Thuần đang phát triển rất tốt, cho năng suất khá cao, chất lượng trái đồng đều, ít sâu bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thuần bao trái cho cây sapoche.

Hiện tại, sapoche được ông Thuần lựa chọn là giống cây trồng chủ lực trong vườn bởi giống cây này có nhiều ưu điểm như cây cho trái quanh năm, trái to, trọng lượng trung bình từ 400-450g/trái, năng suất cao, giá bán bình quân từ 45.000-50.000 đồng/kg.

Ước mỗi héc ta trồng sapoche có thể cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian đầu tư khá dài. Để có nguồn thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và tái đầu tư cho vườn cây ăn trái, ông Thuần trồng xen kẽ trên 12.000 cây hạnh đem lại nguồn thu mỗi tháng trên 60 triệu đồng. 

Mô hình trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, hữu cơ đang là hướng đi mới đối với nông dân huyện Hòn Đất trong bối cảnh tình hình sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa không ổn định.

Ông Thuần chia sẻ: “Sau nhiều năm đeo đuổi cây lúa, tôi nhận thấy lợi nhuận từ cây lúa ngày càng ít hơn trước, giá thành sản xuất cao, trong khi đầu ra không ổn định. Tình cờ được tham quan mô hình trồng cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang mang lại lợi nhuận cao đã giúp nhiều nhà vườn có thu nhập ổn định, trở về tôi bắt tay vào lên liếp, lập vườn, thử  trồng cây ăn trái. Bước đầu sau 5 năm chuyển đổi đã giúp gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”. 

Theo ông Thuần, thời gian tới, ông dự kiến đầu tư cải tạo, mở rộng thêm diện tích trồng cây sapoche, thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng, tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Báo Kiên Giang