Từ bao đời nay, nghề nuôi cá bổi vốn gắn bó và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân huyện Trần Văn Thời. Nhớ lại lúc cao điểm mùa thu hoạch cá bổi, tầm tháng 11, 12 âm lịch năm 2023, được xem là mùa vui vì bà con có khoản tiền sắm sửa cuối năm.
Tuy nhiên, hiện tại giá cá bổi thương phẩm giảm mạnh từ 30-50% so với cùng thời điểm năm trước nên người nuôi đạt hiệu quả thì mới mong huề và có lời, còn không may gặp dịch bệnh thì xem như trắng tay.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Văn Thời, xuất phát từ nguyên nhân thời tiết khô hạn kéo dài nên một số hộ không chủ động nguồn nước ương giống, trễ mùa vụ, không thả giống. Cùng với đó, nguồn cá giống các tỉnh sản xuất không đạt, không đủ cung cấp, giá thành cao (1 con/1.000 đồng) nên một số hộ nuôi không dám đầu tư, do giá cá thương phẩm thấp, nuôi không có lợi nhuận. Một phần ảnh hưởng từ nguyên nhân giá cá thương phẩm giảm liên tục 3 năm trở lại đây, làm cho diện tích nuôi cá bổi trên địa bàn giảm. Hiện toàn huyện có 105 ha, với 355 hộ nuôi cá bổi, giảm gần 40 ha và dự kiến giảm sản lượng khoảng 800 tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Anh Trác Hoàng Duy, thành viên Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá bổi ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, người có kinh nghiệm nuôi cá bổi hơn 10 năm nay, chia sẻ: "Qua học nghề từ anh em, bà con ở xóm, khoảng năm 2012 tôi bắt đầu nuôi cá bổi. Ban đầu chỉ nuôi quy mô nhỏ, nhưng bán được giá nên lãi rất cao. Khi tích luỹ được kiến thức và kinh nghiệm, hiện tôi đã mở rộng diện tích nuôi 22 công, với 5 ao 1.800-2.400 m2/ao). Với diện tích nuôi này, hằng năm phải xuất vốn đầu tư cá giống, thức ăn, cải tạo từ 2-2,1 tỷ đồng và bình quân thu được trên 30 tấn cá/năm. Cuối năm 2023, tôi thu hoạch được trên 30 tấn size 8 con/kg, giá cá chỉ 30 ngàn đồng/kg, thấp so những năm trước hơn 40% nên chỉ lời được 300 triệu đồng".
Anh Trác Hoàng Duy (đội nón), thành viên Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá bổi ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, có 5 ao nuôi cá bổi, hằng năm thu trên 30 tấn cá thương phẩm.
Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá bổi ấp Trảng Cò hiện có 13 thành viên, hằng năm cung cấp ra thị trường 180-190 tấn cá thương phẩm, duy trì trên 12 năm qua. "Nghe thương lái thông tin, do giá cá bổi thương phẩm năm trước giảm sâu, người nuôi chuyển sang nuôi các loại cá khác nên có khả năng giá cá bổi sẽ tăng trở lại, hiện lái báo giá 45-50 ngàn đồng/kg (size từ 8 con trở lên), các thành viên trong Chi hội rất phấn khởi. Riêng gia đình tôi, hiện đã có đầm cá đạt size 9 con/kg và tôi tiếp tục nuôi lên size 4-5 con/kg mới bán. Hy vọng với đà giá này, cùng với giá thức ăn năm nay giảm 10 ngàn đồng/bao, thì đầm cá bổi của gia đình sẽ thu lợi nhuận cao hơn năm rồi. Tất cả bà con nuôi cá bổi và gia đình tôi kỳ vọng sẽ thắng lợi vụ nuôi và bán được giá để niềm vui thêm trọn vẹn", anh Duy chia sẻ thêm.
Ông Trương Thanh Hải, Phó phòng NN&PTNT huyện, cho biết, qua cập nhật giá từ các vựa thu mua, chế biến trên địa bàn, hiện nay giá cá bổi thương phẩm được thương lái mua dao động 42-45 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm cho thấy, đến dịp tết Nguyên đán thì khả năng giá cá giảm do thời điểm thu hoạch tập trung.
Ðược biết, để góp phần nâng cao chất lượng cá bổi, bảo vệ nguồn lợi cá đồng, nâng cao thu nhập cho người nuôi, năm 2023, Phòng NN&PTNT thực hiện Dự án "Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa - cá đồng 2 giai đoạn" tại ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây với quy mô 45 ha, 12 hộ thực hiện.
Ông Lê Thành Long, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, cho biết: "Với mong muốn tiếp cận khoa học - kỹ thuật, cách nuôi mới, mang lại hiệu quả hơn, cuối năm 2023, tôi cùng với 12 hộ dân khác trên địa bàn tham dự Dự án "Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa - cá đồng 2 giai đoạn". Nuôi theo hình thức là dèo cá giống lại trong lưới mành, cho ăn tầm 2 tháng, cá lớn khoẻ mạnh sẽ thả ra ruộng lúa, cho cá ăn thức ăn tự nhiên, thành cá bổi đồng, thịt cá chắc, bán được giá hơn cá bổi nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là cá thả lan, đòi hỏi phải chuẩn bị bờ bao chắc chắn, bởi gặp mùa mưa nước ngập, hoặc các loài cá khác tấn công sẽ gây hao hụt, không kiểm soát được lượng cá còn lại".
Ông Lê Thành Long, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, áp dụng kỹ thuật nuôi cá bổi 2 giai đoạn, theo đó dèo cho cá khoẻ mạnh mới thả ruộng.
Theo ông Trương Thanh Hải, từ thành công ban đầu của dự án góp phần đa dạng hoá mô hình, đối tượng nuôi có hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, thông qua dự án còn khuyến khích sự liên kết phát triển của người dân với nhau để sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập và kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới.
Cá khô bổi là một trong những đặc sản của huyện Trần Văn Thời, được thị trường ưa chuộng.
"Sản phẩm cá khô bổi của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích, vì vừa hợp khẩu vị, vừa mang tính đặc trưng của vùng đất rừng U Minh Hạ. Nhận thấy được điều đó, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển cá bổi theo hướng khép kín, phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, các cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP ngày càng khẳng định được chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng sàn giao dịch điện tử, đây là một hướng phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của các chủ thể thời gian qua", ông Hải thông tin thêm./.
Theo LOAN PHƯƠNG (Báo Cà Mau)