Kỳ vọng từ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

06/04/2023 - 10:13

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 thuộc dự án trọng điểm quốc gia và là công trình “đặc biệt” của tỉnh Sóc Trăng. Dự án hoàn thành đi vào sử dụng sẽ tạo động lực và dư địa rất lớn để địa phương "cất cánh".

Công trình nghìn tỷ

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (Dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang) có quy mô đầu tư 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), với tổng chiều dài tuyến 58,37km, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án dự kiến sẽ khởi công trước ngày 30/6/2023, đến năm 2027 sẽ đưa vào khai thác đồng bộ.

Theo đồng chí Huỳnh Phước Thái - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2, dự án cao tốc do đơn vị làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.788,20 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng toàn bộ 6 làn xe); chi phí xây dựng 8.551,65 tỷ đồng; chi phí thiết bị 5,52 tỷ đồng… đều được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Để phục vụ dự án cao tốc, tỉnh Sóc Trăng dự kiến thu hồi khoảng 3.508.770m2 thuộc các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng từ dự án khoảng 2.798 hộ, trong đó, số hộ bị ảnh hưởng phải di dời và có nhu cầu tái định cư khoảng 293 hộ.

Người dân kỳ vọng dự án cao tốc hoàn thành sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Cũng theo đồng chí Huỳnh Phước Thái, đây là lần đầu tiên tỉnh triển khai dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, phải phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương có liên quan, áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù và triển khai trong thời gian ngắn nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tiến độ thực hiện dự án đều đạt theo kế hoạch đề ra. Đến nay, các địa phương có dự án đi qua đã hoàn thành công tác thông báo thu hồi đất; công tác đo đạc, kiểm đếm, hỗ trợ chi phí cải táng mồ mả… đã cơ bản hoàn tất. Hiện Ban Quản lý Dự án 2 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, áp giá, chi trả bồi thường và thực hiện các công việc có liên quan, đảm bảo dự án được khởi công theo đúng tiến độ.

Kết nối, phát triển

Dự án cao tốc đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 58km, điểm đầu tại huyện Mỹ Tú (giáp với tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là huyện Trần Đề (giao với Quốc lộ Nam sông Hậu). Theo thiết kế, cao tốc sẽ có các điểm đấu nối, nút giao, điểm dừng nghỉ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là cơ hội để Sóc Trăng và các địa phương trong tỉnh quy hoạch phát triển dịch vụ - thương mại, đô thị, các khu, cụm công nghiệp trong tương lai, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Người dân đồng thuận ký tên nhận thông báo thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng chí Đặng Văn Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh, “tiểu lộ là tiểu phúc, đại lộ là đại phúc”, dự án cao tốc được đầu tư xây dựng giúp địa phương mở ra cơ hội phát triển về công nghiệp. Theo đó, huyện Mỹ Xuyên là một trong những địa phương được tỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Mỹ có tổng diện tích 1.300ha được kết nối với nút giao thông tại đường dẫn nằm trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên. Ngoài các khu dành cho phát triển đô thị, dịch vụ thì còn có khu công nghiệp dành quỹ đất xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô rộng khoảng 700ha và hiện đã có nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu. Nhà máy được đầu tư xây dựng không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong huyện mà còn giúp địa phương phát triển các dịch vụ đi kèm, tạo động lực giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Bên cạnh đó, dự án cao tốc giai đoạn 1 cũng được kết nối với dự án Cảng biển Trần Đề, giúp Sóc Trăng thuận lợi hơn trong kêu gọi đầu tư vào cảng. Dự kiến giai đoạn 1 của cảng sẽ được khởi công vào năm 2024. Ngoài ra, dự án cao tốc cũng sẽ mở ra cơ hội “có 1 không 2” để Sóc Trăng bứt phá, bởi khi hạ tầng giao thông phát triển, thì các khu, cụm công nghiệp tại địa phương sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhân dân kỳ vọng vào đại lộ cao tốc

Người dân bị ảnh hưởng từ dự án cao tốc cũng đồng thuận cao vì sự phát triển của quê hương. Căn nhà 600m2 của ông Lâm Văn Lời, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) thuộc diện giải tỏa trắng vì nằm dưới cầu vượt cao tốc nhưng ông không buồn mà ngược lại cảm thấy vui, vì có cao tốc, quê hương sẽ phát triển; nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, con cháu ông sẽ có việc làm, không phải chịu cảnh tha phương cầu thực. Ông Lời cho biết, khi nào có kết quả áp giá đền bù là ông sẽ tự nguyện tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Còn ông Trần Hữu Phước, ấp Tâm Thọ, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), không chỉ tình nguyện giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án cao tốc mà còn tuyên truyền, vận động bà con trong ấp đồng thuận chủ trương. Theo ông Phước, kinh tế - xã hội muốn phát triển thì hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, đường sá nhiều, thông thoáng thì việc di chuyển nhanh chóng, giao thương hàng hóa cũng dễ dàng, công nghiệp, dịch vụ cũng phát triển theo, dân có việc làm, thu nhập ổn định mà không cần phải ly hương.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra tuyến kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi công dự án, sớm đưa cao tốc vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.

Theo Báo Sóc Trăng