Bẵng đi một thời gian, tôi chưa về lại Bến Tre. Nhưng con sóng của sông Hàm Luông lăn tăn vào mùa chưa gió chướng lại bồi hồi níu kéo!
Đã qua ít nhất bốn mùa hè, tôi hẹn hò với vài người bạn về với xứ dừa nhưng rồi lại khất vì bận rộn. Những việc không đầu không cuối ràng chân dù khoảng cách từ TPHCM về nơi ấy chưa đầy 100 ki lô mét. Mới hay, có nhiều khi ấp ủ dự định rồi vẫn chỉ là… dự định, dù biết rằng trong đó ẩn chứa nhiều kỷ niệm, với nhiều người từng gặp từng quen.
Vậy rồi, tôi cứ để cho tâm tưởng hình dung ra một con sông, một bờ kè đi miết không hết, một vườn dừa xao xác đùa nghịch mỗi chiều… của năm nào khi đứng ở tầng cao nhất của khách sạn Hàm Luông, trung tâm thành phố Bến Tre ngó về muôn hướng. Rồi nhớ, trong cuốn sách du khảo Lang thang phố thị: Đồng bằng sông Cửu Long của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng xuất bản năm 2018, anh từng viết: “Châu thổ Cửu Long là con đẻ của dòng Mêkông, và Bến Tre chính là con út được cưng chiều của mẹ thiên nhiên”.
Vì sao là con út? Là vì Bến Tre nằm cuối dòng Mêkông, dòng sông xuất phát từ cao nguyên xa xôi hơn 4.000 ki lô mét đổ về, những hạt phù sa quý giá kết tinh từ nhiều vùng đất đi qua, đem về tặng cho Bến Tre trước khi tràn ra biển ấm. Anh Dũng lý giải như vậy, và anh cũng không quên nhắc đến Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, một người con kiệt xuất của huyện Ba Tri, vùng đất “nắm giữ” hai con sông lớn: Ba Lai và Hàm Luông, khi nặng lòng viết về Bến Tre trong cuốn sách.
Còn với riêng tôi, có nhiều điều để nói về Bến Tre mà chưa bao giờ nói hết. Đó là những ngày lũ lớn của năm 1995, khi cùng một đồng nghiệp vượt qua nhiều con sông và các nhánh sông của Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… rồi vòng về Cần Thơ, Vĩnh Long và bẻ ngoặt hành trình đến với sóng nước Hàm Luông để viết bài. Chuyến đi cả tháng trời, với điểm cuối hạ nguồn cho đến khi lũ rút gần hết qua hai cửa Ba Lai và Hàm Luông, chúng tôi về thăm người bạn đồng nghiệp cùng tòa soạn. Đó là lần đầu tôi “gặp” Bến Tre và uống nước dừa ngay chính nơi thảm dừa xanh ngút mắt mọc lên, mệnh danh cho một vùng đất khó tìm thấy ở nơi đâu.
Cũng chuyến đi ấy, chúng tôi đã nhập môn được nhiều câu chuyện, từ việc cập nhật mực nước ngày đêm của trạm quan trắc Kratie ở Campuchia, các trạm Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) và các trạm nội đồng của khu tứ giác Long Xuyên để biết lũ lớn lũ nhỏ. Nhờ vậy mà sau này mỗi năm khi lũ về, lại tò mò lượng định bao điều ước đoán mùa màng từ các chuyên gia của các viện, các ngành.
Một hôm cách đây ít lâu, mùa trăng giữa tháng Âm lịch đầu hạ, một người em thân thiết ở Sài Gòn về quê nhà ở huyện Bình Đại gửi cho mấy tấm hình chụp trăng treo trên mênh mông sóng nước khi đi phà qua cồn Tam Hiệp. Đêm ấy, tôi chợt thao thức. Vẫn con trăng và sóng nước ấy, tôi và nhiều người bạn từng ngồi bên bờ Hàm Luông để nói với nhau nhiều chuyện về miệt châu thổ, chừng nghe còn gần gũi lắm. Nhưng ánh trăng đêm phủ ánh bạc trên bao la dòng nước khi qua cồn, từ bức ảnh của người em dường như thôi thúc. Một sự thôi thúc rất lạ, mời gọi rủ rê sớm sắp xếp cuộc hành trình.
Bởi vậy, những lúc đọc thông tin về miền Tây với sông nước, nắng gió mỗi mùa lại liên tưởng đến đời sống của con người xứ ấy. Như hôm cuối tháng 6 vừa rồi, đọc được dòng tựa một bài trên một tờ báo dẫn lời của một vị chuyên gia dự báo khí tượng rằng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long nay sẽ khác với những nhận định từ tháng 7 cho đến hết tháng 9, tôi tìm hiểu sẽ ra sao. Nhưng với các số liệu quan trắc khí tượng được đưa ra, có dự đoán rằng năm nay lũ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, lòng bỗng thấy mừng.
Một nỗi vui mừng không chỉ cho xứ dừa Bến Tre, vì khi có lũ lớn, có lẽ miền châu thổ Cửu Long sẽ phì nhiêu màu mỡ hơn!
Theo TRẦN THANH BÌNH (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: