Làm gì để khắc phục tình trạng gạo ngon nhưng không được giá?

24/11/2019 - 14:57

Một trong những nguyên nhân khiến hạt gạo Việt không bán được giá cao so với gạo của nhiều nước khác chính là đến nay, chưa có lô gạo nào của doanh nghiệp XK nước ta đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì.

Gạo ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Thế nhưng, theo các chuyên gia, để xuất khẩu (XK) gạo này, điều quan trọng đầu tiên phải giữ được chất lượng giống, kế đến là có sản lượng đủ lớn, kênh phân phối quảng bá, chính sách giá so với các sản phẩm gạo khác để cạnh tranh. 

Một điểm yếu khác cũng là một trong những nguyên nhân khiến hạt gạo Việt không bán được giá cao so với gạo của nhiều nước khác chính là đến nay, chưa có lô gạo nào của doanh nghiệp XK nước ta đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì…

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 21-11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 341-345 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 326-330 USD/tấn, gạo Jasmine từ 543-547 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan là 391-395 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 383-387 USD/tấn, gạo Hom Mali từ 1.148-1.152 USD/tấn.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định: “Hiện tại, các giống lúa thơm, lúa đặc sản chủ lực của Việt Nam cho xuất khẩu (XK) vẫn tập trung ở nhóm giống Jasmine 85. Tuy nhiên, chất lượng gạo không ổn định do chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó có khả năng cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan như: Hom Mali, Khao Dawk Mali hay với Campuchia (gạo Pkha Rumduol, Pkha Malis)… Ngoài ra, việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc cũng là một bất lợi cho việc gia tăng giá trị XK gạo của Việt Nam”.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo từ Bộ NN-PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng  năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, đạt giá trị 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1 thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, đến nay vẫn chưa có lô gạo nào của Việt Nam được doanh nghiệp (DN) XK đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì. 

Theo ông Dũng, vào năm 2018, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc thi xét chọn được logo thương hiệu gạo Việt Nam và công bố ở Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tổ chức ở Long An.

“Sau khi công bố logo thương hiệu gạo Việt, Bộ NN-PTNT đã tiến hành đăng ký thương hiệu qua hệ thống Madrid. Nhưng việc thực hiện không đơn giản, phải có hồ sơ đầy đủ theo tiêu chuẩn của châu Âu và quá trình này đang được Bộ NN-PTNT cùng VFA tiến hành. Hiện hồ sơ chưa được thông qua, mới ở bước được cấp mã số nên thời điểm này chưa có lô gạo nào của doanh nghiệp XK đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì”, ông Dũng cho biết. 

VFA thông tin, sản lượng gạo thơm, gạo trắng hạt dài XK hiện đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng gạo XK, gạo thường XK chỉ hơn 20%.

Tuy nhiên, giá bán gạo của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan dù phẩm chất tương tự. Điển hình như gạo ST24 của Việt Nam XK giá từ 750-800 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự lên đến 1.100-1.200 USD/tấn. 

Theo nhận định của ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Vì vậy, gạo Việt Nam dù chất lượng cao hơn nhưng làm thương hiệu không tốt, không ai biết nên dù có XK nhiều nhưng giá trị vẫn thấp.

Chuyên gia về lúa gạo, GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL), lưu ý, muốn cạnh tranh với thị trường quốc tế và có gạo ngon thì phải chú ý đến giống vì giống chiếm đến 60% trong phẩm chất hạt gạo. 

Theo đó, giống tốt phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có bản quyền và thương hiệu. Có giống tốt sẽ có gạo ngon và thương hiệu thì gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh, bán có giá hơn so với các loại gạo khác trên thế giới.

Ngày 12-11 vừa qua, gạo ST25 của kĩ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) cùng cộng sự vừa được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Chia sẻ với báo chí, kĩ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của gạo ST25, cho rằng việc để có giống lúa ST25, ông cùng cộng sự đã tiến hành lai tạo từ năm 2002. Hiện nay, gạo ST25 đang bán rất chạy trong thị trường nội địa.

 “Gạo ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, nhưng để XK gạo này thì đầu tiên phải giữ được chất lượng giống, kế đến là có sản lượng đủ lớn, kênh phân phối quảng bá, chính sách giá so với các sản phẩm gạo khác để cạnh tranh”, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA nói.

TS Trần Ngọc Thạch cũng kiến nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị XK gạo, doanh nghiệp cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình công tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì được sự ổn định của chất lượng giống, lúa hàng hoá trong vùng nguyên liệu.

Theo NHƯ ANH (Công An Nhân Dân)