Chú Thái Hùng Cường (ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) đang chăm sóc đàn heo
Căn nhà khang trang của chú Thái Hùng Cường nằm trong một xóm đông đúc. Chú kể, xưa xứ này vắng lắm, từ chỗ chú nhìn ra mênh mông đồng lúa, lác đác vài lùm cây, chẳng nhà là mấy. Giờ người dân đổ về cất nhà tường, mái ngói, đông vui, vậy mà chưa nghe ai phiền hà về trại heo của chú.
Chúng tôi bước vô nhà, chỉ nghe thoảng mùi trại heo bởi chú rất kỹ tính, chuồng trại thường xuyên được dọn sạch, chất thải làm khí biogas hoặc thức ăn cho cá.
Chú nói, giữ vệ sinh chuồng trại là một trong những bí quyết để nuôi heo thành công. Thấy chúng tôi thắc mắc, chưa vội giải thích, chú cười tươi rồi bắt đầu câu chuyện.
Hồi đó nhà chú nghèo lắm! Năm 1987, khi có vợ, ra riêng, cha mẹ cho 3 công ruộng với 1 con heo đẹt 7,5kg. Lúc đó, bấy nhiêu đất đâu gọi là nhiều, nhưng có nhiêu làm nhiêu, chú luôn nhắc mình cố gắng hơn, tin rằng nhất định có ngày dư ăn, dư để. Nhờ tính cần cù, chịu khó, cầu tiến của chú mà cô chịu làm vợ dù biết chồng nghèo. Hai con người đầy nghị lực gặp nhau, thương nhau, cùng nhau “đào vàng” trên mảnh ruộng khô cằn ấy.
Trước khi làm, cô chú bàn, vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt, tiền lời nuôi heo để dành đầu tư sau này, quyết không đụng đến, còn tiền lời trồng trọt thì chi tiêu trong nhà, nuôi các con ăn học.
Đầu tháng, vợ chồng chú lộc cộc xe đạp đem sổ đỏ xuống huyện cầm cố, lấy tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu. Ban ngày, cô chú nuôi heo, làm ruộng, xắn đất đắp nền nhà, lên liếp trồng dưa, trồng cà,... Ban đêm, vợ chồng cùng nhổ rạ làm nấm rơm. 12 giờ khuya, chú hái nấm gửi xe lên chợ Bình Chánh (TP.HCM) bán, 3 giờ sáng phải dậy hái lần nữa không thôi nấm “bung dù”, rớt giá. Phần chăm chỉ, chịu khó, phần trời thương, nấm cô chú trồng trúng mùa liên tục. Mỗi tháng thu hoạch 2 lần, đầu tháng cô chú kiếm 1 triệu đồng, cuối tháng lại gom thêm 1 triệu đồng nữa. Trong khi lúc đó, vàng khoảng 300.000 đồng/chỉ.
Làm quần quật gần 6 năm, chú tăng đàn lên 5 con heo nái và 60 con heo thịt. Dần dần, chú mua thêm 2 công đất, tăng quy mô sản xuất. Giai đoạn 2015-2020, với 5.000m2 đất, chú chia ra làm trại heo, trại gà, trồng màu, nuôi cá tra. Ba trại gà nuôi theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm đem về cho chú hơn 500 triệu đồng tiền lời. Một năm xuất bán từ 100-120 con heo thịt cũng giúp chú "bỏ túi" gần 200 triệu đồng. Đó là chưa kể doanh thu từ trồng rau theo quy trình VietGAP, nuôi cá tra. Ước tính, tổng các nguồn thu mỗi năm từ 850-900 triệu đồng chỉ với 2 lao động.
Chú kể, từ khi nuôi heo tới giờ, chú chưa từng lỗ. Những lúc khó khăn nhất là dịch heo tai xanh, heo rớt giá,... trong khi những hộ nuôi khác lỗ nặng thì chú vẫn có lời. Lúc "trà dư tửu hậu", họ rủ rỉ với nhau rằng: “Ông đó điên rồi, nuôi heo lỗ mà cứ nuôi hoài” nhưng họ làm sao biết chú tự làm hết từ đỡ đẻ cho heo, bỏ nọc đến tiêm thuốc khi heo bệnh,... nên không cần thuê mướn, nhờ đó tiết kiệm tối đa chi phí. Chú cũng chú trọng vệ sinh chuồng trại, dọn dẹp môi trường xung quanh thoáng mát. Vì vậy heo ít bệnh, lớn nhanh, chất lượng thịt tốt.
Gần 40 năm làm nông nghiệp, có của ăn, của để nhờ ruộng rẫy, bầy heo, kinh nghiệm "một bụng" nhưng chú Cường vẫn thường xuyên tham gia các buổi tập huấn chuyên đề, hội thảo, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tham quan, học tập các mô hình hay trong và ngoài tỉnh. Bởi chú biết việc học rất quan trọng và mình còn khiếm khuyết nhiều. Nhờ học tập, có kiến thức nên chú thường vận động các hộ sản xuất hiệu quả hỗ trợ tuyên truyền để nông dân nơi khác có thể học hỏi.
Trại heo được lắp đặt hệ thống biogas
Thực tế, nhiều người chăn nuôi không cho phóng viên đến quay phim, chụp hình vì sợ vật nuôi nhiễm bệnh, sợ “xui”.
Theo chú Cường, việc ấy không có căn cứ khoa học vì nếu có thì bầy heo của chú đã bị ảnh hưởng từ lâu. Kỹ lưỡng là đúng, ví dụ thương lái đi từ trại này đến trại khác cần sát trùng, khử khuẩn. Chuyện đồn thổi vô căn cứ, vô tình ngăn cản việc lan tỏa những mô hình hay, những điều tốt đẹp.
Trước đây, chú Cường từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Long Thượng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Điền. Trong vai trò ấy, chú thường xuyên tuyên truyền những chính sách đến người dân, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Chú còn là thành viên Ban vận động thu tiền làm đường (hiện nay, 100% số hộ trong ấp có điện sinh hoạt, 100% trục đường chính được nâng cấp tráng bê tông hoặc rải đá xanh).
Ngoài ra, chú còn vận động người dân gắn đèn đường chiếu sáng trục giao thông nông thôn, hiến đất nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng. Chú cũng tích cực tham gia hoạt động xã hội - từ thiện và giúp người dân thoát nghèo.
Câu chuyện của vợ chồng chú Cường đưa chúng tôi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cô chú khiến tôi khâm phục bởi ý chí cầu tiến, vươn lên thoát nghèo; bởi cái tâm rộng rãi, khoáng đạt với người, với đời; bởi sự thủy chung, son sắt mấy chục năm trường, dù nghèo, dù giàu cũng không dời đổi.
Chúng tôi có gợi ý viết về chú lẫn cô, bởi thành quả hôm nay cô góp công một nửa nhưng cô mỉm cười, nhìn chú và nói rằng: “Tôi muốn làm hậu phương của người đàn ông này, mãi mãi!”./.
Theo HUỲNH THÔNG (Báo Long An)