Tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường
Với mục tiêu giúp doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh có thêm cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh TMĐT.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, các sàn giao dịch TMĐT đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp vươn ra các thị trường trong nước và quốc tế. Với các HTX có chuỗi sản xuất và chế biến sẽ có thị trường lớn, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác. Đồng thời, sàn TMĐT cũng không giới hạn về quảng bá và hình ảnh của các sản phẩm, người bán hàng chủ động đưa sản phẩm của mình lên sàn. Người mua, người bán tự giao dịch qua các lệnh, đơn hàng, tiền cũng được thanh toán qua tài khoản, hạn chế dùng tiền mặt.
Các sản phẩm của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Postmart
Thời gian tới, mục tiêu của tỉnh vẫn là mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch TMĐT, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh nông sản khi vào vụ cao điểm thu hoạch, giúp nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào trung gian.
Ngoài ra, thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón,...
Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025 để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp mở cửa hàng trên sàn TMĐT.
Các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả, trong đó, rau ăn lá là mặt hàng chủ lực. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh chia sẻ, thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chúng tôi tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến.
Công nhân Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) sơ chế rau
Riêng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các ngành chức năng tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel, các sàn TMĐT tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn TMĐT.
Cùng với đó, các ngành chức năng chủ động cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp cho sàn TMĐT; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thông tin từ Sở Công Thương, hiện có 51 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên các sàn TMĐT. Đặc biệt, Sở đã hỗ trợ 20 DN đưa sản phẩm của tỉnh lên 6 sàn TMĐT lớn trong nước là Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Voso và Postmart; đồng thời, hỗ trợ 6 DN đưa sản phẩm lên sàn TMĐT xuất khẩu Alibaba.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, DN,... trong tỉnh quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu trên sàn TMĐT (https://postmart.vn, https://voso.vn). Đến nay, có 63.244 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT này với 7.653 sản phẩm được đăng ký.
Ngoài ra, Sở giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh qua nhóm Zalo, Facebook; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (đã có 16 DN tham gia truy xuất với 45 sản phẩm); phối hợp các cơ quan của Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động thương mại; xúc tiến xuất khẩu qua TMĐT,... cho các DN, HTX trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 24 DN, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến (xây dựng website, fanpage, landing page, email,...) để quảng bá sản phẩm.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo thống kê của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, có 968 gian hàng bày bán sản phẩm của tỉnh trên 2 sàn TMĐT Shopee và Sendo (Shopee với 887 gian hàng, Sendo với 81 gian hàng). Doanh thu tổng từ 2 sàn là 55,5 tỉ đồng (Shopee khoảng 55 tỉ đồng, Sendo khoảng 500 triệu đồng).
Các sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT trong nước chủ yếu là nông sản chế biến, chao, lạp xưởng, mắm các loại,... Còn các sản phẩm được đưa lên sàn Alibaba là các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như gạo, chanh, thanh long, chuối,...
Sở Công Thương hỗ trợ tham gia bán hàng trên sàn Alibaba bằng nhiều hình thức như duy trì tư cách thành viên Vàng toàn cầu Alibaba.com trong 12 tháng; gói quản lý tài khoản cho mỗi đơn vị tham gia trong 3 tháng; xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày của đơn vị tham gia; thiết kế nhận diện chung gian hàng của các đơn vị tham gia.
Qua đó, giúp DN, HTX kinh doanh hiệu quả trên sàn TMĐT, kể cả những mặt hàng nông sản vốn khó tiếp cận TMĐT do điều kiện về bảo quản, vận chuyển,... cũng đã thành công bước đầu. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa), doanh thu của HTX qua sàn TMĐT Sendo tăng nhanh chóng chỉ sau vài tháng tham gia.
Đoàn học tập kinh nghiệm từ tỉnh Tiền Giang quét mã QR được dán trên các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa (ảnh: HTX cung cấp)
Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết, song song với việc duy trì các kênh bán hàng truyền thống, HTX đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn TMĐT, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
“So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT đã mở thêm cơ hội mới, giúp HTX, người kinh doanh và hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các vùng, miền. Cách thức tiêu thụ này rất phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Hiện doanh thu hàng tháng của HTX thông qua sàn TMĐT Sendo là khoảng 200 triệu đồng” - ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa trên sàn thương mại điện tử của tỉnh
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: “Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025. Sở sẽ hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc điện tử,... Trong năm 2023, Sở tiếp tục hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên 3 sàn TMĐT trong nước (Sendo, Voso, Postmart) và 1 sàn TMĐT nước ngoài (Alibaba)”.
Với quyết tâm và nỗ lực triển khai đồng bộ, việc đẩy mạnh TMĐT trong tiêu thụ nông sản đã và đang mang lại những “tín hiệu” tích cực, góp phần giúp DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp giải quyết “bài toán” đầu ra của nông sản./.
Theo BÙI TÙNG (Báo Long An)