Long An: Khai mạc triển lãm máy may cổ

23/11/2022 - 09:31

Ngày 22/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tổ chức khai mạc Triển lãm máy may cổ của nhà sưu tập Lê Công Hiệp tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh. Đây là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của ngành nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, đưa văn hóa truyền thống lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội hiện đại.

A A

Du khách tham quan triển lãm máy may cổ tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Anh Dũng cho biết: Không gian trưng bày bộ sưu tập giới thiệu đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh nét đẹp văn hóa truyền thống của Long An hòa mình vào dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Từ đó khơi dậy, vun đắp tình cảm yêu quý, trân trọng di sản văn hóa dân tộc, cũng như khích lệ tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà sưu tập Lê Công Hiệp đã tặng cho Bảo tàng - Thư viện tỉnh 5 máy may cổ trị giá trên 100 triệu đồng. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần tạo động lực thúc đẩy công tác trưng bày giới thiệu của Bảo tàng tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, phong phú, đa dạng hơn, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giải trí, học tập, nghiên cứu lịch sử văn hóa.

Một góc trưng bày máy may cổ tại triển lãm.

Triển lãm lần này trưng bày 50 trong tổng số gần 200 máy may của bộ sưu tập, từ nhiều thương hiệu như: Singer, Sinco, Brother, Mitsubishi, Janome, Tanaco, Usha, Pfaff, Pagode, Sinsang, Koyo... Đây là những chiếc máy may có thời gian sử dụng từ 50 đến trên 100 năm, tình trạng hoạt động tốt, màu sơn sáng bóng, nổi bật với các họa tiết hình tháp, hình vương miện, hoa hồng, hoa cúc, con ó, chim đại bàng, sư tử vờn tú cầu...

Sưu tập máy may cổ của nhà sưu tập Lê Công Hiệp gồm nhiều dòng máy đa dạng, phong phú, hàm chứa nhiều thông tin có giá trị về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nghề may mặc truyền thống ở Long An nói riêng, cả nước nói chung.

Nhà sưu tập Lê Công Hiệp, sinh năm 1970, quê quán xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 1986, anh bắt đầu đi học may tại quê nhà, trở thành thợ may, yêu và gắn bó với nghề may cho đến nay, khi đang là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Đước.

Từ những năm 1998 - 2000, khi máy may công nghiệp thịnh hành, người tiêu dùng lựa chọn mua trang phục may sẵn nên nhiều máy may không còn sử dụng. Với tình yêu nghề, trân trọng những chiếc máy may, anh Lê Công Hiệp đã bỏ thời gian, công sức tìm mua những chiếc máy cũ, bảo dưỡng, gìn giữ và sử dụng.

Trên 30 năm theo đuổi niềm đam mê, anh đã sở hữu gần 200 máy may cổ với 50 dòng máy khác nhau từ các thương hiệu nổi tiếng của các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Ấn Độ...

Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho Nhà sưu tập Lê Công Hiệp. 

Nhà sưu tập Lê Công Hiệp cho biết, anh vẫn đang ấp ủ đam mê sưu tầm những máy may cổ còn thiếu trong bộ sưu tập của mình với mong muốn gìn giữ, góp công sức bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Máy may đầu tiên được phát minh tại Anh năm 1790, có mặt ở Việt Nam từ năm 1891 - 1932, trong một xưởng may đồng phục quân đội tại Hà Nội. Từ đó đến thập niên 70 - 80 thế kỷ XX, những chiếc máy may dần trở nên phổ biến ở Long An và Nam Bộ nói chung.

Đến nay, các dòng máy may này ngày càng trở nên quý hiếm vì sự phát triển của ngành may mặc công nghiệp. Dù vậy, do thói quen may mặc của nhiều người, máy may vẫn được ưa chuộng trong một số gia đình, cửa hiệu may hiện nay.

Sưu tập máy may cổ của nhà sưu tập Lê Công Hiệp khơi gợi sự hoài niệm về nghề may mặc thủ công truyền thống đã gắn bó với bao thế hệ người Việt, không chỉ là gia sản của nhà sưu tập mà còn là di sản văn hóa quý báu của tỉnh nhà cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Theo ĐỨC HẠNH (TTXVN)