
Tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hành vi nhận tiền thầu xây dựng nhà rồi bỏ trốn.
Thực tế, các hành vi lừa đảo trong mua bán, thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà, đất hiện nay diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nhiều nạn nhân chỉ vì ham của rẻ, tin vào lời “có cánh” của các đối tượng cò mồi nên sập bẫy.
Cuối tháng 4, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các giao dịch nhà đất, qua đây cho thấy tội phạm loại này khá tinh vi.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 3-2021, Nguyễn Hữu Quản Thông, hành nghề môi giới bất động sản, mua căn nhà ở xã hội số 39-B10, tại khu dân cư Thiên Lộc của bà A., chưa thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Nhưng đến ngày 9-4-2021, Thông liên hệ, bán căn nhà ở xã hội số 39-B10 lại cho ông Lê Hiền Đệ với giá 850 triệu đồng (ông Đệ đã thanh toán cho Thông được 546 triệu đồng) và Thông đã bàn giao nhà cho ông Đệ sử dụng.
Song để có tiền tiêu xài cá nhân và trả tiền mua nhà cho bà A. nên vào khoảng cuối năm 2021, Thông tiếp tục đem căn nhà ở xã hội số 39-B10, bán lại cho ông Tô Thạch Sum khi không có sự đồng ý của ông Đệ để chiếm đoạt của ông Sum số tiền 985 triệu đồng.
Bên cạnh lừa đảo bán nhà, thời gian làm môi giới, Thông còn nhận thực hiện thủ tục sang tên căn nhà số 22-B3, khu dân cư Thiên Lộc từ bà Nguyễn Tuyết Phương sang cho bà Trần Thị Bích Thùy đứng tên. Sau khi có được ủy quyền từ phía vợ chồng bà Phương, Thông làm thủ tục sang tên cho bà Thùy.
Đến ngày 14-4-2022, Thông lại đem giấy tờ căn nhà trên cầm cố cho ông Nguyễn Thanh Vũ khi không được sự đồng ý của vợ chồng bà Phương và chiếm đoạt của ông Vũ số tiền 600 triệu đồng.
Trả giá cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại với thủ đoạn tinh vi là mức án 16 năm tù dành cho Thông.
Trước đó không lâu, Tòa án nhân dân tỉnh cũng xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến 1,2 tỉ đồng tuy nhiên, với cách thức lừa đảo khác.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, vào ngày 31-12-2022, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, ngụ tỉnh Sóc Trăng, đến khu dân cư Cát Tường, phường V, thành phố Vị Thanh để ký hợp đồng xây dựng nhà với Lợi Thanh Hiền, khi đó là Giám đốc Công ty TNHH HTCONS.
Thời điểm này, công ty của Hiền không còn khả năng thi công, nhưng vì muốn có tiền tiêu xài, Hiền vẫn đưa ra các thông tin gian dối về hoạt động của công ty, làm cho chị Quỳnh tin tưởng, ký hợp đồng và chuyển cho Hiền số tiền 1,28 tỉ đồng.
Quá trình xây nhà, Hiền đưa ra nhiều lý do kéo dài việc xây dựng và buộc chị Quỳnh chuyển thêm tiền. Sau khi nhận tiền, Hiền thi công cầm chừng một phần móng rồi ngừng thi công và bỏ trốn, đến ngày 27-6-2024, Hiền bị bắt khi đang lẩn trốn ở phường V, thành phố Vị Thanh.
Đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ/20 bị can tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 vụ/1 bị can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong đó một số vụ việc các đối tượng phạm tội liên quan đến việc mua bán, xây dựng nhà cửa, đất đai xảy ra trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành, Châu Thành A…
Các đối tượng lừa đảo khá tinh vi với thủ đoạn như đăng thông tin rao bán nhà đất với giá hấp dẫn cùng hình ảnh giấy tờ nhà đất. Đồng thời, dùng lời nói dễ nghe và đánh vào lòng tham của người muốn “đất đẹp, giá rẻ”. Sau khi lừa được tiền của người mua thì các đối tượng “đánh bài chuồn” và bị hại cũng khó có thể lấy lại được tài sản.
Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, trong một số vụ án thì các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với mức độ, hành vi đã gây ra. Nhưng cũng phải cảnh báo lần nữa là thực tế, ngoài sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo thì nguyên nhân xảy ra các vụ lừa đảo liên quan đến đất đai cũng một phần do bị hại chủ quan, dễ tin người, thiếu xác minh thông tin về tài sản và về đối tượng.
Để tránh tình trạng bị lừa đảo thì khi giao dịch mua bán nhà đất, người mua cần tiến hành xác định rõ ràng những thông tin về tài sản như: chủ sở hữu, vị trí chính xác, đất không trong quy hoạch và nhất là cần xác định tình trạng thực tế nhà đất…
Tiếp đó, theo luật gia Mạnh, quá trình giao dịch, người mua cần yêu cầu bên bán xuất trình bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cần phải đến văn phòng công chứng để sớm phát hiện các loại giấy tờ giả, cũng như xác định tính xác thực và các thông tin liên quan của thửa đất. Đối với các hợp đồng xây dựng nhà thì cần lưu ý việc đặt cọc, tránh chuyển một lần hết số tiền thi công mà chỉ nên chuyển từng phần, tùy theo tiến độ thi công để tránh những tranh chấp không đáng có.
Theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ của vụ án, nếu xác định ý thức chiếm đoạt tài sản của đối tượng là cố tình lừa dối, bán cùng một thửa đất cho nhiều người hoặc lừa bán tài sản không phải của mình thì bị cáo có thể bị xử lý về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Lâm trao đổi: Mỗi người dân khi thực hiện việc các giao dịch phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc và tình trạng sử dụng tài sản muốn mua; khi giao dịch phải thực hiện đúng các thủ tục, trình tự pháp luật quy định; khi mua bán tài sản có giá trị, nhất là nhà, đất thì cần công chứng các hợp đồng chuyển nhượng đảm bảo tính pháp lý. Khi phát hiện các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo cơ quan công an để được giải quyết và sớm truy bắt đối tượng, thu hồi tài sản.
Theo Báo Hậu Giang