Lúa đông xuân trúng mùa, nhưng giá thấp

15/02/2020 - 13:20

Vào thời điểm này, lúa đông xuân gieo sạ sớm nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã bắt đầu thu hoạch, với năng suất lúa đạt rất cao, nhà nông có lời, nhưng giá đang xuống thấp...

Thu hoạch lúa đông xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai

Nông dân có lời

Qua tuần đầu của tháng 2-2020, hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân 2019-2020 tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... được thu hoạch. Nông dân cho biết, năng suất lúa đông xuân đạt từ 1-1,1 tấn/công (1.300m2), cao hơn từ 200-400 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Còn theo thống kê và tính toán của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, năng suất nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch đầu vụ ước đạt 7,1-7,2 tấn/ha (10.000m2), cao hơn từ 0,1-0,2 tấn/ha so cùng kỳ năm trước. 

Anh Nguyễn Văn Thư, ngụ khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “10 công lúa OM 5451 vụ đông xuân này, năng suất đạt 1,1 tấn/công tầm lớn, cao hơn 300 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Lúa tươi bán ngay tại ruộng với giá 4.600 đồng/kg, mức giá này tương đương so với cùng kỳ. Giá bán lúa không cao nhưng nhờ trúng mùa và nhẹ chi phí chăm sóc lúa do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên mỗi công lúa tôi có thể kiếm lời 3 triệu đồng, cao gấp đôi so với năm trước”. Ông Lê Thanh Phong ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, 20 công lúa của tôi cũng sạ giống Đài Thơm 8 nhưng năng suất lúa chỉ đạt gần 0,8 tấn/công, còn vụ  này đạt tới 1 tấn/công, bán được giá 4.800 đồng/kg, tính ra tôi có lời hơn 3 triệu đồng/công”.  Theo anh La Bá Đại ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, 10 công lúa sạ giống IR 50404 trong vụ đông xuân 2019-2020 của gia đình anh đã được thu hoạch với năng suất đạt khá cao, 1 tấn lúa tươi/công, cao hơn 250 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Giá lúa tươi IR 50404 bán ngay tại ruộng ở mức 4.400 đồng/kg, trừ đi chi phí, tính ra vụ này anh có lời bình quân 2 triệu đồng/công.

Nông dân cho biết, vụ này chi phí sản xuất lúa tương đối thấp do các điều kiện thời tiết, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại nên nông dân giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí bơm tưới nước. Đồng thời, nông dân cũng giảm được giá thành sản xuất nhờ xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy trên từng cánh đồng, thực hiện tưới, tiêu nước tập thể và tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ này, trời nắng, đồng ruộng khô ráo và lúa ít bị đổ ngã, rất thuận lợi cho thu hoạch bằng máy, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hầu hết các diện tích lúa đông xuân đều thu hoạch nhanh gọn bằng máy gặt đập liên hợp, với giá thuê máy phổ biến từ 270.000-300.000 đồng/công. Ngoài ra, thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi giúp nông dân giảm được thất thoát trong phơi sấy và bảo quản lúa.

Tìm cách giữ giá lúa

Vụ này lúa trúng mùa nhưng đa phần nhà nông dân kém vui vì giá lúa ở mức tương đối thấp. Đặc biệt, đối với những hộ dân có lúa chưa thu hoạch tỏ ra lo lắng do giá lúa đang có chiều hướng giảm, làm ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều nông dân.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 (cách nay khoảng 3 tuần), giá lúa tươi IR 50404 ở mức 4.600-4.700 đồng/kg, nhưng nay giá giảm xuống chỉ còn 4.400-4.500 đồng/kg. Trong đó, giá 4.500 đồng/kg là đối với những nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa từ trước, chứ giá mua hiện nay thấp hơn. Tương tự, giá nhiều loại lúa hạt dài OM và lúa thơm: Đài Thơm 8, Jasmine 85, RVT… cũng giảm ít nhất từ 200-300 đồng/kg so với trước. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Hậu Giang, Vĩnh Long… các loại lúa tươi: OM 9577, OM 9582, OM 6976, OM 5451… có giá từ 4.500-4.800 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 và Jasmine 85 từ 4.800-5.100 đồng/kg. Giá lúa giảm do gần đây đầu ra xuất khẩu có phần chậm và nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới nên còn hạn chế trong việc đẩy mạnh thu mua lúa gạo, cũng như chậm thu mua so với cùng kỳ các năm trước.

Nông dân rất lo về khả năng giá lúa có thể còn giảm tiếp trong thời gian tới do nguồn cung tăng vì nhiều địa phương bước vào thu hoạch rộ. Ông Nguyễn Văn Châu, nông dân ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Qua nhiều năm cho thấy, giá lúa thường giảm khi bước vào vụ thu hoạch rộ do năng lực thu mua của tiểu thương và doanh nghiệp hạn chế, nhất là trong điều kiện lúa được thu hoạch tập trung, đồng loạt tại nhiều nơi. Giá giảm ít thì đỡ chứ giảm nhiều thì dù thương lái đã đặt cọc tiền mua lúa từ trước với giá cao, cũng đòi hạ giá xuống. Thương lái thường chỉ đặt cọc khoảng 200.000-300.000 đồng/công lúa nên có thể bỏ tiền cọc nếu nông dân không chịu giảm giá. Nông dân rất cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng để giữ giá lúa ở mức đảm bảo cho người nông dân có lời”.  Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, vụ này lúa trúng mùa nhưng giá lúa thấp nên nông dân kém vui. Đến ngày 7-2-2020, quận Thốt Nốt đã thu hoạch được 2.400/4.800ha lúa đông xuân, với năng suất ước đạt 7,1-7,2 tấn/ha. Đông xuân là vụ lúa cho chất lượng gạo rất tốt nên các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa để có nguồn gạo chất lượng phục vụ cho việc kinh doanh, lúa được tiêu thụ kịp thời.

Diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch còn rất lớn, nhà nông đang lo giá cả có thể xuống thấp. Ngoài ra, thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, khó đoán, mưa trái mùa có thể xảy ra làm lúa bị đổ ngã, hư hại, giảm năng xuất, khó thu hoạch.  Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần hỗ trợ, có chính sách riêng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo vừa đảm bảo thu mua hết lượng lúa hàng hóa trong dân, ngăn tình trạng giảm giá thu mua lúa, đảm bảo nông dân có lời. 

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)