Lúa gạo đang có cơ hội lớn

29/03/2022 - 08:25

Ngay từ đầu năm 2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã rất tốt so với cùng kỳ và hiện nay, khi một số quốc gia phải tạm dừng xuất khẩu, hoặc không thể xuất khẩu một số mặt hàng lương thực như: lúa mì, bắp, đậu nành… với nhiều lý do khác nhau đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh. Xu hướng trên được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên có thể nói đây sẽ là cơ hội rất tốt để nâng cao mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 này.

Theo nhận xét của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn đang rất tốt nên giá lúa gạo trong nước được giữ vững ở mức cao từ đầu vụ Đông - Xuân. Trước những dự báo nguồn cung một số mặt hàng lương thực trên thế giới như: lúa mì, đậu nành, bắp… sẽ có sự bất ổn nên hiện các doanh nghiệp đang tích cực thu mua lúa chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới với nhiều khả năng sẽ có giá cao hơn. Hiện tại, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang xuất bán với mức gần 450 USD/tấn, còn các loại gạo chất lượng cao khác cũng tăng từ 10 - 15% và nếu tình trạng giá xăng dầu còn tiếp tục tăng nhiều, khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Dù lợi nhuận không như kỳ vọng nhưng nông dân trồng lúa vẫn phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Ảnh: TÍCH CHU

Khi được hỏi vì sao thị trường xuất khẩu gạo hiện không mấy sôi động, còn các hợp đồng xuất khẩu mới nhiều khả năng đến tháng 4 mới có, nhưng hiện các doanh nghiệp đã tích cực thu gom hàng, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết do tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn cả về chính trị lẫn dịch Covid-19 nên nhiều nước chú trọng hơn đến vấn đề an ninh lương thực và tiêu dùng trong nước. Do đó, các đơn hàng xuất khẩu tới đây sẽ nhiều hơn và giá cũng cao hơn. Vì vậy, nếu không mua vào ở thời điểm này, đến khi có hợp đồng mới giá cao sẽ gặp cạnh tranh gay gắt cả về giá lẫn số lượng. Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ: “Chỉ số giá lương thực tháng 2 do Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) công bố đã cao hơn 24,1% so với cùng kỳ và các dự báo đều cho thấy giá lương thực thế giới sẽ còn tiếp tục tăng. Vì vậy, việc thu gom lúa lúc này là phù hợp vì vừa có giá phải chăng, vừa có lợi thế trong đàm phán hợp đồng xuất khẩu do có nguồn hàng sẵn trong kho”.

Với những diễn biến của thị trường lúa gạo trong nước lẫn xuất khẩu từ đầu năm đến nay và những dự báo lạc quan trong thời gian tới, có thể thấy, ngành lúa gạo đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng số lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Đây thật sự là tín hiệu vui cho nhà nông, bởi từ đầu vụ lúa Đông - Xuân đến nay, hầu hết giá cả vật tư đầu vào đều đã tăng mạnh, đặc biệt là phân bón. Cùng với đó, giá xăng dầu đầu năm đến nay cũng liên tiếp có những đợt tăng mạnh khiến giá thành sản xuất lúa cũng tăng lên và sẽ còn tiếp tục tăng ở những vụ lúa tiếp theo. Chia sẻ với người viết, hầu hết nông dân sản xuất lúa đều cho rằng, dự báo thị trường lúa gạo thời gian tới còn ở mức cao là động lực để họ tiếp tục xuống giống vụ Hè - Thu tới vì chi phí sản xuất lúa vụ này thường cao, trong khi năng suất thì lại không bằng so với vụ Đông - Xuân.

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo với an ninh lương thực trong nước, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng không đáng lo, mà điều đáng lo nhất là làm sao tranh thủ xuất khẩu được gạo khi thị trường có giá cao nhất vì cứ khoảng 100 ngày là khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại có khoảng 3 - 4 triệu tấn lúa được thu hoạch. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số vùng ngọt - lợ chỉ làm vụ lúa/năm còn lại đa số diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đều sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm với các giống chủ lực có thời gian sinh trưởng chỉ từ 90 - 110 ngày. Điểm thuận lợi nữa là mùa vụ giữa các vùng có tính gối đầu nên hầu như khu vực này có thu hoạch lúa quanh năm. Không nói đâu xa, ngay tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thời điểm gieo sạ mỗi vụ lúa tại các vùng cũng có sự chênh lệch nhau khá lớn về thời gian, nên đến hiện tại vẫn còn vùng mới bước vào thu hoạch lúa Đông - Xuân trong khi đa phần đã thu hoạch xong cách nay hơn 2 tháng.

Tín hiệu thị trường đang rất lạc quan, nên vấn đề là làm sao tổ chức sản xuất tốt các vụ lúa còn lại trong năm đạt năng suất cao nhất với chi phí thấp nhất có thể để vừa giúp nâng cao sự cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, vừa đảm bảo mức lợi nhuận tốt cho người trồng lúa. Hy vọng, mọi thứ sẽ diễn ra như dự báo để ngành lúa gạo tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng tốt như mục tiêu kế hoạch đề ra.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)