Lúa, gạo ở ĐBSCL cùng tăng giá vào cuối vụ

26/08/2020 - 09:28

Vụ Hè Thu năm nay giá lúa, gạo ở ĐBSCL đều tăng cao và ở mức kỷ lục trong 10 năm qua, nhất là thị trường nội địa.

Ảnh minh họa

Vụ Hè Thu năm 2020, ĐBSCL sản xuất 1,54 triệu ha lúa, sản lượng khoảng 9 triệu tấn. Ở thời điểm này, nhiều tỉnh đã thu hoạch xong, số diện tích còn lại tập trung tại các địa phương ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang…

Mấy ngày gần đây, giá lúa gạo ở ĐBSCL tăng cao và hút hàng. Giá lúa tăng lên khoảng 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng và tăng hơn 800 đồng/kg so với vụ lúa Đông Xuân. Cụ thể tại Cần Thơ và Hậu Giang, nông dân bán lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.500 đồng-6.500 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Đáng chú ý, nhiều nông dân và vựa lúa có khả năng trữ lúa đã trúng lớn khi trữ lúa thơm Jasmine 85, vì giá lúa này đã vọt tăng từ 7.500 đồng/kg lên 8.200 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến lúa và gạo đều tăng là do Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đang tăng lên. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang tốt. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 480-490 USD/tấn, tăng 2-3 USD/tấn so với hồi đầu tháng. Từ giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Một nguyên nhân nữa khiến giá lúa, gạo tăng là do bước vào cuối vụ thu hoạch lúa Hè Thu, nguồn cung đang mỏng và thương lái trong nước tăng cường mua vào thời gian gần đây. 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng, nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 487,6 USD/ tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện, nhu cầu gạo tại nhiều quốc gia tăng do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai... Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,9% thị phần.

Theo Chính Phủ