Doanh nghiệp và thương lái chưa đẩy mạnh mua lúa của dân do thiếu vốn, xuất khẩu khó khăn… - Ảnh: Phương Uyên
Những ngày sau Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL bắt tay vào thu hoạch lúa đông xuân sớm - vụ lúa chủ lực trong năm. Nếu như các năm trước, mỗi khi thu hoạch sớm thì lúa thường được mùa - được giá và dễ tiêu thụ, thì năm nay mọi việc trái ngược. Giá lúa hiện tại đang giảm, còn lúa thì bị sâu bệnh gây hại, cộng với tiêu thụ chậm khiến nông dân thiệt trăm bề.
Nông dân gặp khó
Tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), nhiều cánh đồng lúa đang chín vàng, tuy nhiên tiến độ thu hoạch diễn ra khá ì ạch bởi giá lúa giảm. Anh Nguyễn Văn Khoa, ngụ xã Đông Bình, H.Thới Lai thở dài: “Lúa tươi loại thường hiện nay chỉ có 4.300 đồng/kg, lúa thơm thì khoảng 5.200 đồng/kg… đây là mức giá giảm khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái”.
Cùng nỗi lo trên, chị Lâm Thị Chín (ngụ xã Đông Bình) cho hay: “Hồi trước Tết Kỷ Hợi thương lái vào tận ruộng hỏi mua lúa thường từ 4.800- 5.000 đồng/kg nhưng ít ai chịu bán, bởi kỳ vọng giá sẽ cao hơn. Vậy mà khi ăn tết xong thì lúa tiếp tục giảm chỉ còn 4.300 đồng/kg (lúa thường - 50404), kêu bán cũng rất khó. Cùng với việc giá lúa giảm thì năm nay sâu bệnh xuất hiện nhiều khiến chi phí phun xịt thuốc tăng cao, do đó nông dân lãi rất mỏng, chỉ vài trăm ngàn đồng/công…”.
Thu hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL khá chậm do giá giảm - Ảnh: Phương Uyên
Tại Kiên Giang, nhiều nông dân cũng đang ngậm ngùi nhìn lúa chín nhưng lòng rối bời bởi giá thấp. Ông Lâm Văn Sáu, ngụ xã Thạnh Lộc (H.Giồng Riềng) bộc bạch: “Vùng này mỗi năm canh tác 3 vụ lúa, nhưng vụ đông xuân là chủ lực, mọi hy vọng đều đặt hết vào. Không ngờ lúa đông xuân năm nay năng suất giảm từ 100 - 150 kg/công do bị sâu bệnh; cộng với giá bèo bọt hiện nay… xem như nông dân không được gì”.
Điều đáng lo thêm ở Kiên Giang là tình trạng sâu bệnh và rầy nâu gây hại cho lúa đông xuân phát triển rầm rộ lên hơn 26.000 hecta, ở khắp các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành… Trước tình hình này, ông Đỗ Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các chi cục, phòng chức năng, Phòng NN-PTNT huyện… phối hợp hỗ trợ nông dân các biện pháp phòng trị, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh.
Ở An Giang, nông dân các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành… cũng vào vụ thu hoạch lúa đông xuân được khoảng 10.000 hecta. Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Vĩnh Gia (H.Tri Tôn) rầu lo: “Mới vụ lúa thu đông mùa lũ năm 2018, nước dâng cao làm vỡ đê khiến hàng trăm hecta lúa của bà con vùng biên giới này mất trắng, thiệt hại bình quân 20 - 25 triệu đồng/ha.
Nông dân TP.Cần Thơ lo lắng vì giá lúa giảm- Ảnh: Phương Uyên
Mất mùa vì thiên tai nên không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần và ai cũng kỳ vọng vụ lúa đông xuân 2019 này “trúng mùa, trúng giá” để gỡ lại. Thế mà mới đầu vụ thì giá lúa đã giảm mạnh, tình hình này sẽ đẩy nhiều hộ làm lúa vào cảnh khốn khó hơn”.
Đâu là nguyên nhân?
Cần thấy rằng, năm 2018 vừa qua được xem là điểm sáng cho xuất khẩu gạo. Cụ thể, xuất khẩu gạo có sự bứt phá ngoạn mục với hơn 6,1 triệu tấn gạo, thu về 3,1 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đã quay trở lại mốc trên 3 tỉ USD, sau 6 năm sụt giảm liên tục. Từ những khởi sắc đó, nhiều người đặt niềm tin cho xuất khẩu gạo năm 2019 tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian gần đây giá gạo xuất khẩu trên thế giới giảm, nhu cầu tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tăng. Cụ thể, ở Ấn Độ, giá gạo 5% tấm giảm từ 383 - 388 USD/tấn trong tuần trước xuống còn 380 - 385 USD/tấn, do tác động từ nhu cầu mua của châu Á và châu Phi đã giảm. Còn ở Thái Lan, giá gạo 5% tấm cũng giảm còn 382 - 398 USD/tấn, so với mức 390 - 402 USD của tuần trước.
Trong khi đó, gạo của Việt Nam dù đã xuất khẩu sang khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Hiện tại, Trung Quốc siết chặt về chất lượng và hạn chế số lượng các công ty Việt Nam có quyền xuất khẩu gạo sang nước họ, khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo ngại nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu gạo. Cũng do tình hình xuất khẩu gạo đang gặp khó nên các doanh nghiệp cũng bị đọng về vốn để thu mua lúa trong dân.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhìn nhận: “Thời gian qua công ty đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng lớn, cùng đầu tư hạ tầng… nên trong lúc thị trường lắng xuống thì không ít doanh nghiệp gặp khó về vốn. Ngoài ra, lúc này các ngân hàng hạn chế cho vay ngắn hạn, nên không đáp ứng được nhu cầu về vốn để doanh nghiệp mua lúa của người dân”.
Trước nhu cầu cấp bách về tiêu thụ lúa đông xuân, nên UBND TP.Cần Thơ vừa triệu tập cuộc họp với doanh nghiệp, ngân hàng, các ngành liên quan… bàn giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ cho biết, vụ đông xuân này các quận huyện gieo sạ trên 81.000ha nhưng chỉ có 21.000ha là có hợp đồng với doanh nghiệp; số còn lại tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa trong nỗi lo giá giảm - Ảnh: Phương Uyên
Đáng lo là lúa liên tục giảm sẽ khiến nông dân và cả doanh nghiệp gặp khó, rất cần hỗ trợ nhanh. Một vấn đề quan tâm là nhiều doanh nghiệp kêu khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nên chậm thu mua lúa trong dân… Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đề nghị chi nhánh các ngân hàng đóng trên địa bàn Cần Thơ cần nhanh chóng báo cáo tình hình về cơ quan chủ quản ở trung ương xem xét cho nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cũng như thu mua lúa trong dân.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các sở ngành chức năng nắm thông tin thị trường lúa gạo từ các bộ, ngành để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, nhất là các chính sách mới của Trung Quốc - thị trường lớn của xuất khẩu gạo Việt Nam…
Theo Một Thế Giới