Lưu truyền giai thoại 'ông Yến cưỡi cọp'

01/04/2024 - 10:38

Mộ và Miếu ông Trần Văn Yến được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hưng (Ba Tri). Qua đó, góp phần tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Ba Tri nói chung và xã Tân Hưng nói riêng, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc và trong thời kỳ đổi mới.

A A

Miếu ông Yến được xây dựng mới.

Truyền thuyết về ông Yến

Theo Chánh bái Hội Miếu ông Yến Phan Văn Nhu, ngôi mộ và miếu thờ ông Thần Yến có tên gọi quen thuộc là ông Yến cưỡi cọp, tại ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng là nơi thờ tự tâm linh từ giai thoại truyền thuyết. Qua truyền khẩu dân gian, vào thế kỷ XVIII, vùng Hưng Nhơn, xã Tân Hưng thuộc Đông Bắc sông Hàm Luông, còn là nơi sình lầy, nước đọng, hoang vu, rất ít cư dân, rừng rậm, có nhiều thú dữ như: hùm, beo, cọp, rắn, heo rừng… Ngay thời bấy giờ, có ông Trần Văn Yến, người quê Bình Định, tòng quân dưới Triều Tây Sơn, trong giai đoạn phân tranh giữa thế lực Tây Sơn và Chúa Nguyễn. Ông và một số cư dân theo ghe bầu bằng đường biển tìm vùng đất mới định cư. Họ quyết định dừng chân tại vùng đất Tân Hưng để lập nghiệp.

Là một tráng sĩ võ nghệ cao cường, ông Yến đã đánh đuổi và chinh phục được đàn cọp bảo vệ nhân dân khai khẩn đất hoang làm ăn và lập làng. Từ đó, nhân dân nơi đây được yên ổn làm ăn, không lo sợ thú dữ như trước. Hàng năm, ở đình An Ngãi Tây có mở hội cúng đình, ông Yến cùng dân làng Tân Hưng đến dự. Sau một thời gian do tuổi cao, sức yếu, ông không tự đi nổi đến cúng đình nữa. Trong lúc khỏe, ông rất dũng cảm và đã chinh phục được đàn cọp. Khi ông già yếu, đàn cọp giúp đưa ông đến dự lễ cúng đình và chờ trước cửa rước ông về. Mỗi năm cứ như thế cho đến khi ông qua đời. Từ đó giai thoại “ông Yến cưỡi cọp” ra đời.

 Theo giai thoại kể lại, ông Yến có tâm sự với một số cư dân sống chung, sau khi ông mất sẽ khiêng về hướng Đông và khi đứt néo ngay đâu thì chôn cất ngay đó. Thật vậy, khi ông qua đời, dân làng tổ chức mai táng và khiêng quan tài ông về hướng Đông, đi được khoảng 0,5km thì đứt néo giữa đầm lầy. Nhân dân 2 xã Tân Hưng và An Ngãi Tây cố gắng khiêng quan tài ông lên chỗ khô ráo nhưng không sao khiêng nổi. Nhớ lời ông nói, nhân dân quyết định chôn ông tại đây. Ít lâu sau, đất nơi đây nổi lên thành một gò đất cao ráo. Nhân dân đặt tên là gò ông Yến hay còn gọi là gò Mộ ông Yến đến bây giờ.

Với những công lao và đức độ của ông, sau khi ông mất, dân làng Tân Hưng lập miếu thờ ông ngay trên mảnh đất ông ở cùng hướng về ngôi mộ của ông. Hàng năm, đến ngày 15-16 tháng 2âl, dân làng Tân Hưng và cả các xã lân cận đến thắp hương tưởng nhớ công ơn của ông.

 “Uống nước nhớ nguồn”

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, Mộ và Miếu thờ ông Trần Văn Yến là công trình kiến trúc đã gắn liền với những chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Tân Hưng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hưng đã giành nhiều công sức, trí tuệ để bảo tồn, phát huy công trình văn hóa này. Mộ và Miếu ông Trần Văn Yến được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 19-3-2024 tại Quyết định số 485/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Miếu ông Yến được xây dựng mới trên diện tích 112,5m2; kết cấu nhà cấp 3, tường 20, máy bê-tông phủ ngói vẩy cá; hoa văn rồng, phụng, ghế thờ, hình ông Yến cưỡi cọp được bê-tông kiên cố. Tổng kinh phí xây dựng 1,28 tỷ đồng do ông Trần Ngọc Tam và ông Đoàn Văn Đạo vận động tài trợ. Công trình cổng chính, 2 cổng phụ và 140m tường rào, kinh phí 380 triệu đồng, do ông Trần Ngọc Tam vận động tài trợ.

Phát biểu tại lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Mộ và Miếu ông Trần Văn Yến, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương đề nghị, chính quyền và nhân dân xã Tân Hưng phối hợp với ngành văn hóa huyện tiếp tục có kế hoạch chăm sóc, nâng cấp và bảo vệ giá trị di tích được tốt nhất. Thường xuyên quan tâm, tu bổ phần mộ và miếu thờ. Đặc biệt, mở rộng đường đến khu Mộ và Miếu ông Trần Văn Yến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và du khách đến cúng viếng gắn với tham quan. Qua đó, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống lịch sử của dân tộc.

“Ba Tri là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa, gồm: 4 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh như đình, chùa, miễu, lăng. Gắn liền với đó là những giai thoại về Ông già Ba Tri (Thái Hữu Kiểm), Trần Văn Hạt cứu chúa Nguyễn Ánh cùng tên tuổi của các nhà thơ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản. Với những công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc, có giá trị lịch sử lâu đời và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, trong đó, có Mộ và Miếu ông Trần Văn Yến tại xã Tân Hưng” - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương

Theo TRẦN QUỐC (Báo Đồng Khởi)