Mekong Connect năm 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững

21/11/2022 - 09:54

Trong 2 ngày 23 và 24-11 tới đây, tại TP Cần Thơ sẽ diễn ra Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 với chủ đề "Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững". Nhiều nội dung nổi bật sẽ được lãnh đạo mạng lưới liên kết các tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (DN HVNCLC) đưa ra tại Diễn đàn nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL.

A A

Hợp tác, liên kết

Quảng bá sản phẩm địa phương là một trong những hoạt động trọng điểm tại Diễn đàn Mekong Connect 2019 tổ chức tại TP Cần Thơ.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022. Đây như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Để có thể triển khai những định hướng mới của quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực... Do đó, những nội dung được lựa chọn trong Diễn đàn được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19 theo tinh thần các nghị quyết, quyết định của Đảng và Chính phủ mà trọng tâm là Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ  2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Diễn đàn năm nay diễn ra với nhiều nội dung nổi bật được lãnh đạo mạng lưới liên kết ABCD Mekong, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, cùng Hội DN HVNCLC đưa ra, nhằm tìm ra các giải pháp cho việc phát triển kinh tế, liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết, thông qua Mekong Connect 2022, TP Cần Thơ mong muốn kết nối được ngày càng nhiều hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ cũng như các doanh nghiệp ĐBSCL. Dịp này, thành phố cùng với TP Hồ Chí Minh là chủ phiên thảo luận chủ đề "Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế", hy vọng sẽ nhận được những tư vấn, khuyến nghị từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia giúp TP Cần Thơ trong công tác chuẩn bị xây dựng trung tâm liên kết vùng theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Tạo giá trị thực tiễn

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, chia sẻ: "Mỗi tỉnh thành có nhu cầu kết hợp khác nhau; có nhu cầu đóng góp thế mạnh của mình vào công cuộc tích hợp chung cho sự phát triển của vùng. Những đề tài đưa ra thảo luận trong diễn đàn không phải là cái gì cao siêu mà nó gần gũi, ứng dụng được vào thực tế. Chẳng hạn, với đề tài ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, giới thiệu mô hình ứng dụng công nghệ cao để thay đổi trong sản xuất nông nghiệp do ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành Công ty Rynan Technologies Việt Nam, đã thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp về đo độ phèn của nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng... Thông qua mô hình chúng tôi muốn chứng minh rằng, chuyển đổi số không chỉ làm data dữ liệu mà nó là những ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số đơn giản, giúp người nông dân dễ dàng ứng dụng vào quản lý đồng ruộng, quản lý việc canh tác. Hy vọng, mô hình sẽ được chia sẻ và lan tỏa rộng".

Theo chương trình, trong phiên khai mạc diễn ra sáng 24-11, lãnh đạo mỗi tỉnh trong ABCD Mekong và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giới thiệu về một dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong năm 2023 thông qua phiên thảo luận chung với chủ đề "Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn". Hai phiên thảo luận tiếp theo bàn về các nội dung: Làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế; nâng cao vai trò của viện trường trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi số cho kinh tế nông nghiệp.

Bàn về nội dung "Phát triển bền vững", 4 tỉnh có 4 phiên thảo luận nhóm riêng. Theo đó, tỉnh An Giang chủ phiên thảo luận chủ đề "Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu"; tỉnh Bến Tre chủ phiên thảo luận chủ đề "Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn"; TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cùng chủ phiên thảo luận chủ đề "Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế"; tỉnh Ðồng Tháp chủ phiên thảo luận chủ đề "Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm"…

Trước đó, ngày 23-11, Mekong Connect 2022 sẽ diễn ra chương trình giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp về kinh nghiệm bán hàng và kinh nghiệm xuất khẩu đến các thị trường lớn. Kết nối (online) giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các nhà mua hàng quốc tế ở 3 thị trường: Hà lan, Úc và Bắc Mỹ. Đồng thời tổ chức kết nối sản phẩm với các hệ thống siêu thị trong nước như Central Group, Saigon Co.op,  MM Mega Market…, tư vấn dành cho cộng đồng làm nông nghiệp với sự tham dự của các chuyên gia. Đặc biệt, "Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ Xanh" cùng sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 8 năm cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Ngoài ra, sự kiện còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm đã đạt được chứng nhận từ 3 sao đến 5 sao của chủ thể Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 13 tỉnh ĐBSCL và từ TP Hồ Chí Minh.

Ông Dương Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, cho rằng, là chủ phiên thảo luận với chủ đề về kinh tế tuần hoàn, Bến Tre mong chuyên gia, các tổ chức giới thiệu về những mô hình, sản phẩm kinh tế tuần hoàn từ dừa.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, thông tin: "Sắp tới, tỉnh An Giang sẽ có một đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kéo dài từ biên giới Campuchia đến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); giữa An Giang với các tỉnh của Campuchia có một số cửa khẩu tiếp giáp nhưng việc kết nối giao thương chưa được khai thác hết tiềm năng. Tham gia đề tài về kinh tế mậu biên tại phiên thảo luận tại Diễn đàn, tỉnh An Giang kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết nối giao thương, phát triển dòng chảy hàng hóa không chỉ cho An Giang mà cho các địa phương nằm trên trục đường cao tốc này".

Theo Báo Cần Thơ