Bánh tầm bì xíu mại
Nhiều người cho rằng nguồn gốc của tên gọi tằm bì do bánh được làm bằng gạo, se bằng tay thành hình giống như con tằm. Mỗi vùng đều có bánh tằm nhưng với cách chế biến riêng tạo nên hương vị khác biệt. Bánh tằm ở Bạc Liêu thường ăn kèm thêm vài viên xíu mại. Nguyên liệu để chế biến món bánh này là bột gạo, bột năng, dừa nạo, thịt, bì lợn, nước mắm, và một số gia vị.
Bánh tằm bì xíu mại độc đáo ở quê hương công tử Bạc Liêu. Ảnh: I.T
Cách làm bánh tằm rất công phu đòi hỏi sự khéo tay của người đầu bếp. Bánh ngon tùy thuộc vào cách pha bột và se bánh. Món bì cũng đòi hỏi người chế biến phải rất tỉ mỉ. Da lợn không được quá dày, cũng không quá mỏng. Thịt, bì lợn được luộc chín rồi thái sợi mỏng, mịn và đều tay, sau đó trộn cùng với thính và chút gia vị cho thấm, đậm đà.
Rau để ăn kèm là xà lách thái nhỏ, húng, rau thơm, giá đậu xanh, dưa chuột thái sợi chỉ trộn lẫn cùng nhau. Người Bạc Liêu thường thêm vào dĩa bánh tằm bì vài viên xíu mại được làm từ thịt băm nhuyễn trộn gia vị hành tây, sốt cùng cà chua cho món ăn thêm phần đậm đà, phong phú.
Ăn kèm với bánh là nước trộn được làm từ dừa tươi nạo sợi rồi vắt lấy nước cốt, đem đun lửa liu riu. Hòa chút bột năng vào rồi thêm gia vị cho có đủ vị mặn và ngọt kết hợp. Bánh tằm bì được bày trong chiếc đĩa sâu. Nổi trên đĩa bánh tằm trắng phau là các loại rau xanh mướt mát, lớp bì vàng, chút lạc rang giã nhỏ và rưới nước cốt dừa, mắm, thêm chút chanh, ớt cho đủ vị.
Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị vừa ngọt vừa mặn được hòa quyện trong vị thơm của bánh tằm, ngọt của thịt, xíu mại, tươi mát của các loại rau, bùi của lạc. Bởi vậy, bánh tằm bì là một món ăn chơi rất được lòng du khách. Bạn có thể dễ dàng tìm ăn món ăn này ở Bạc Liêu với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng một đĩa.
Ba khía
Ba khía có hình thù khá giống cua đồng nhưng nhỏ hơn, màu hơi tím đỏ và chỉ có ở những vùng nước mặn. Từ xưa đến nay các món ăn làm từ ba khía đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nam bộ. Tuy nhiên, loại thức ăn dân dã này nay đã trở thành đặc sản độc đáo và ấn tượng nhất của tỉnh Bạc Liêu.
Ba khía có khắp ĐBSCL ở những vùng nước lợ, nước mặn nhưng dân sành ăn nói ba khía Cà Mau, Bạc Liêu ngon hơn cả. Ảnh: I.T
Khi dùng, người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều với đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Đôi khi cũng có thể không trộn gia vị. Ba khía muối hấp dẫn thực khách ở cái vị đậm đà khó tả của nó. Người tá điền xưa gặp buổi trời mưa, ghé vô đâu đó trú, nhân tiện quơ đại vài thứ rau dại mọc đầy nơi bờ nước, ăn cơm với ba khía trộn cũng xong bữa. Nhưng món ba khía không dành cho những người yếu răng, vì ta phải nhai cả càng lẫn mai. Nếu muốn nhậu thì luộc ba khía chấm muối tiêu cũng rất ngon.
Đuông chà là
Nếu như Bến Tre nổi tiếng có món đuông dừa thì Bạc Liêu cũng không kém cạnh với món ăn được làm từ con đuông trên cây chà là - loài cây được trồng rất nhiều nơi đây. Món ăn đặc biệt này được mệnh danh là một trong những “đệ nhất đặc sản phương Nam” và từng là món sản vật Nam Bộ tiến cống cho vua chúa triều Nguyễn.
Đuông chà là nướng béo ngậy.
Có nhiều món ngon được làm từ loài đuông này, trong đó phải kể đến món đuông luộc nước dừa, nấu cháo, chiên đậu phộng, nướng nhưng được đánh giá là ngon nhất là món đuông lăn bột chiên bơ chấm nước mắm tỏi ớt.
Bồn bồn Bạc Liêu
Bồn bồn nhìn qua trông khá giống với củ xả nhưng lại mềm và chua rất đặc trưng của cây sống trong vùng ngập nước. Có nhiều món ăn từ bồn Bồn như bồn bồn xào tép, dưa Bồn Bồn, Bồn Bồn xào thịt và dưa bồn bồn hay được chọn làm món quà đem về của du khách tới Bạc Liêu.
Bánh củ cải
Bánh củ cải là đặc sản dân dã ở Bạc Liêu có vị ngọt pha chút hăng ăn vào rất lạ miệng. Khi nhà có khách từ phương xa tới, các gia đình ở Bạc Liêu thường làm đãi khách món này như một loại ẩm thực truyền thống độc đáo.
Theo Dân Việt