Món ăn từ mít đậm đà hồn quê

08/06/2020 - 09:16

Chiều chiều ngồi bên bờ tre nhà ngoại, cắn múi xôi mít chan ngập nước cốt dừa béo ngậy, cả một trời ký ức ùa về… Ba miền Bắc- Trung- Nam trên dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng có mít, đâu đâu cũng có những món ăn đậm đà nghĩa tình quê nhà.

Món xôi mít ngũ sắc đậm đà hồn quê.

Cây mít là loài cây độc đáo ở chỗ, người ta có thể sử dụng từ thân, lá, trái non, trái chín và cả hạt. Với nghệ nhân làng mộc, gỗ mít màu vàng nhạt, có mùi thơm dịu nhẹ, tuy vân gỗ không nhiều thớ nhưng chất gỗ lại rất mịn, được dùng làm nhiều sản phẩm gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ, thớt,…

Mít cũng là loại gỗ quen thuộc được dùng làm mõ, làm trống, guốc mộc. Tiêu biểu nhất là vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các nghệ nhân ở Huế đã sử dụng 3 cây gỗ mít trên 500 tuổi, làm nên chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam.

Trẻ con lớn lên ở miền quê không thể nào không biết món “dái mít”. Hái trái mít non là phần bé xíu trên thân cây khi vừa mọc ra chấm với muối ớt. Món ăn hội tụ đủ phần “cay đắng cuộc đời” với vị chua chua, chát và cay xè. Vị chát vương mãi trên đầu lưỡi ấy thế mà đứa nào đứa nấy tranh nhau ăn, lại hóa ngon. 

Từ bàn tay khéo léo của ngoại, của mẹ tạo nên những món ăn từ mít có hương vị không thể nào quên. Ở miền Tây, bánh lá mít phảng phất mùi hương của rau mơ, lớp bột thì dai dai, khi ăn chấm cùng nước cốt dừa béo ngậy. Mít non lúc chưa chín còn có thể dùng để kho mặn, ăn rất bắt cơm.

Khi mít chín, những múi mít vàng ươm thơm dậy hương được dọn tráng miệng cuối buổi. Nhưng cái xơ mít không vứt bỏ, mà bà lại làm thêm món chả xơ mít dọn ngày ăn chay hoặc phơi khô rồi kho với cá lòng tong. Nồi thịt kho rệu của mẹ thì không bao giờ thiếu lá mít để nước kho được trong và thịt dậy màu cánh gián.

Nếu là người con xứ Nghệ, dù sống ở phương trời nào vẫn luôn nhớ về vại nhút, chum tương quê nhà. Trái mít chưa chín được hái xuống, băm múi mít thành từng sợi nhỏ rồi đem muối cùng với riềng, ớt, bột bắp rang, gia vị cộng thêm vài lát mía giúp cho món nhút có thể để được quanh năm.

Nhút Thanh Chương có màu trắng nõn, thơm ngon, ăn có vị bùi và béo, đem trộn gỏi, hoặc xào với tóp mỡ. Sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn vừa béo và giòn, ngon không thể cưỡng lại.

Những buổi trưa mùa hè nắng chang chang, tụi con nít chẻ mít chín ra ăn, mủ mít dính trên cán dao, dính trên tay, vừa ăn mít mà vừa nghe chí chóe tiếng chọc ghẹo, “trét” mủ lên người nhau. Trẻ con lại “kết” nhất ở mít không phải là múi mít ngọt mà là hạt mít. Hạt mít lùi tro hoặc luộc đều thơm ngon, có vị bùi bùi.

Vị ngon của món ăn từ mít làm ta no bụng mà không no miệng. Món ăn tưởng chừng dân dã ấy lại gói gọn hồn quê và những ký ức tuổi thơ không thể trở lại. Mỗi bận về thăm ngoại, lại muốn ăn xôi mít, ăn bánh lá mít, ăn cá lòng tong kho xơ mít… Thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ, cho trọn niềm thương…

Theo PHƯƠNG THƯ (Báo Vĩnh Long)