Nét văn hóa đặc sắc của lễ hội Nghinh Ông ở Cà Mau

25/03/2024 - 09:36

Ngày 24/3 (15/2 âm lịch), tại cửa biển Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) diễn ra lễ hội Nghinh Ông nhằm tôn vinh loài cá Ông hay cá Voi, mà ngư dân vùng biển còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”.

A A

Vị thần hộ mệnh cho ngư dân đi biển

Theo đó, phần lễ được xem là ngày chính sau khi phần hội đã diễn ra trước đó một ngày. Phần lễ mang lại nhiều nét văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển, là dịp ngư dân nhiều nơi đến tham quan, giao lưu văn hóa.

Ông Trần Minh Đặng - Chánh vạn Lăng Ông Nam Hải Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Theo lưu truyền trong dân gian, cá Ông là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Mỗi khi sóng to gió lớn, tàu thuyền gặp nạn thì cá Ông “hiện lên” hộ tống đưa vào chỗ cạn an toàn cho người và phương tiện. Ngược lại, khi cá Ông gặp nạn sẽ được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng”.

Tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, Chủ lễ cùng ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu.

Tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, Chủ lễ cùng ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu.

Lễ Nghinh Ông tại Sông Đốc, Chủ lễ cùng Ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu khởi hành tại Lăng Ông được 8 học trò lễ khiêng, theo hầu. Lực lượng diễu hành 220 người gồm: Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hàng dài đi diễu hành, bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo.

Dưới biển, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa để ra biển Nghinh Ông. Nếu đoàn tàu xuất bến ra biển gặp cá Ông phun nước thì rước Ông về ngay. Nếu không gặp cá Ông thì đến vùng nước xanh (cách bờ khoảng 5 đến 7km) chủ lễ sẽ xin “keo”, khi nào xin được thì thỉnh Ông về...

Người dân đến thắp hương trước giờ lễ khiêng kiệu Nghinh Ông Sông Đốc.

Người dân đến thắp hương trước giờ lễ khiêng kiệu Nghinh Ông Sông Đốc.

Theo ông Trần Văn Quốc - Chánh chủ Lăng Ông Nam Hải Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Nghinh Ông là một tập tục lâu đời của ngư dân Sông Đốc, đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng trăm năm nay. Vì vậy, hằng năm, cứ đến ngày 14, 15, 16/2 âm lịch, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền đất nước lại tề tựu về đây để hòa mình vào không khí sôi nổi, đồng thời cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cuộc sống no đủ. Đặc biệt, các ngư dân quanh năm bám biển sẽ cầu xin cho những chuyến tàu ra khơi bình an và đánh bắt thật nhiều tôm, cá...”.

Đặc biệt, trong phần lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức theo nghi thức truyền thống với ý nghĩa cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội Nghinh Ông, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân Cà Mau và tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân.

Đông đảo ngư dân xuống ghe ra biển Nghinh Ông Sông Đốc.

Đông đảo ngư dân xuống ghe ra biển Nghinh Ông Sông Đốc.

“Tôi theo nghề ghe biển trên 10 năm nay, rất tự hào và vui khi được tham gia lễ hội, cầu cho mưa thuận gió hòa, những chuyến ghe ra khơi bình an đánh bắt thật nhiều tôm cá” - anh Trần Bình Minh (ngư dân, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nói.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Đặc biệt, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định 600 ngày 03/02/2021. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến 16/02 âm lịch hàng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh trong cộng đồng ngư dân làm nghề biển, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đã được duy trì và phát triển gần một thế kỷ qua.

Theo TRỌNG NGHĨA - LÊ DIỄM (Pháp luật Việt Nam)