Ngành cá tra thắng lớn

26/12/2018 - 08:45

Năm 2018, đánh dấu sự thành công vượt bậc của ngành cá tra, khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều thắng lợi. Có thể nói, sau thời gian dài lận đận thì hiện nay kinh doanh cá tra đã tăng trưởng trở lại, khẳng định thế mạnh về xuất khẩu ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Điều đáng mừng là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang mạnh dạn đầu tư lớn nhằm hướng tới phát triển bền vững cho cá tra 

Nông dân và doanh nghiệp được mùa

Những ngày này, các nhà máy tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre… với giá dao động khoảng 29.000-32.000 đồng/kg, đây là mức giá đảm bảo cho người nuôi có lãi lớn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất - dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) mừng ra mặt: “Tính đến thời điểm này, xem như 100% thành viên nuôi cá của HTX đều thắng lợi, bởi năm 2018 cá được giá cao và dễ tiêu thụ”.

Đưa chúng tôi ra thăm khu vực nuôi cá tra của gia đình mình, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2018 gia đình nuôi hơn 500 tấn cá tra thương phẩm, thu lời bình quân khoảng 8.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua. “Hiện nay, tôi đang tập trung chăm sóc khoảng 200 tấn cá tra và dự kiến sẽ bán trước Tết Kỷ Hợi 2019. Cầm chắc lợi nhuận tốt” - ông Bình khoe.

Cùng niềm vui trúng mùa, trúng giá cá tra, ông Bùi Văn Sự, ngụ thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) hớn hở: “Cá tra đang mang lại niềm vui cho người dân, chỉ riêng năm 2018, gia đình tôi tiêu thụ hơn 400 tấn cá tra; có lúc giá cá tăng cao tới 34.000-35.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lợi từ 10.000-12.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay”.

Tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… hầu hết người nuôi cá tra đều đạt hiệu quả cao. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết: “Nhờ cá tra được giá nên người dân trong tỉnh thả nuôi hơn 1.138ha, tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2017; sản lượng cá tra cả năm 2018 hơn 353.000 tấn, tăng gần 20%. Năm 2018 được đánh dấu là thành công ngoài mong đợi của bà con nuôi cá tra”. 

Ngành cá tra năm 2018 ở ĐBSCL “được mùa được giá”. 

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng ăn nên làm ra. Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cho hay: “Thị trường xuất khẩu mở rộng, giá tốt… đã giúp Navico xuất khẩu các sản phẩm cá tra trong năm 2018 ước khoảng 145-150 triệu USD. Mới đây, Navico quyết định đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao rộng hơn 600ha ở huyện Châu Phú (An Giang), nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu cá tra quanh năm…”. 

Đầu tư chiều sâu cho cá tra

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 ước đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại khoảng 125 thị trường; trong đó Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và ASEAN là những thị trường chủ lực.

Thêm tín hiệu đáng mừng là giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam không ngừng tăng. Nếu như năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê vào Hoa Kỳ khoảng 3,5USD/kg thì sang năm 2018 tăng lên từ 4,6- 5USD/kg trở lên; các thị trường ở châu Á và Nam Mỹ giá xuất khẩu cá tra cũng khá tốt từ 3,5- 4USD/kg. Mức giá cao nhất trong hàng chục năm qua. 

Dự báo tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, ông Doãn Tới cho rằng: “Năm 2019, nhiều khả năng cá tra tiếp tục thuận lợi; song cần đầu tư đi vào chiều sâu nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hơn nữa”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Hiện nay, một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và gần đây là Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư nuôi cá tra nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Dù vậy, chúng ta vẫn có nhiều lợi thế về sản lượng, chiếm hơn 52% tổng nguồn cung cá tra trên toàn cầu; có sông Tiền, sông Hậu với điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi cá tra. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL có bề dày hoạt động nên rất kinh nghiệm. Vấn đề hiện nay là tiếp tục phát huy thế mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, thu về giá trị cao”. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, lưu ý: “Dù cá tra Việt Nam được nuôi và xuất khẩu nhiều năm nhưng vẫn chưa có thương hiệu mạnh; nhận thức của người tiêu dùng trên thế giới chưa sâu về cá tra, trong khi truyền thông một số nước thường bôi nhọ hình ảnh cá tra; công nghệ chế biến còn chậm thay đổi, chi phí đầu vào còn cao.

Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường và nhất là nạn thiếu hụt con giống chất lượng… là những mối lo cho tương lai cá tra”. Bà Khanh đề nghị, cần cơ chế quỹ phát triển thị trường để có chiến lược dài hơi trong xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Lập cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi cá tra và có dự báo cho người dân, doanh nghiệp nắm để ứng phó kịp thời với những diễn biến thị trường. Tiến hành quy hoạch hợp lý vùng nuôi cá tra và các loài cá nước ngọt khác. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong ươm giống nhằm nâng chất lượng cá tra… 

Mới đây, Tập đoàn Việt - Úc đưa vào hoạt động khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao rộng hơn 100ha ở An Giang,  với công suất 1 tỷ con giống/năm. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng để ngành cá tra vùng ĐBSCL phát triển ổn định. Đồng thời là giải pháp thúc đẩy việc liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng chất lượng giống cá tra hiện nay.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ dành khoảng 146 tỷ đồng để thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao”, với diện tích khoảng 400ha, hướng tới mục tiêu cung cấp 100% cá tra giống chất lượng cao, với nhu cầu khoảng 1,5 tỷ con giống… 

Theo Sài Gòn Đầu Tư