Song, với tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, sự linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ, ngành công thương của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khá ổn định.
Xoài Đồng Tháp chính thức được thị trường Hoa Kỳ mở cửa mang lại nhiều triển vọng mới cho xuất khẩu nông sản của tỉnh
Theo nhận định của Sở Công Thương Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh ổn định và phát triển tốt. Trong đó, chế biến vẫn là chủ lực, đóng góp chính vào tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp. Ước giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29.729 tỷ đồng, tăng 8,49% so với cùng kỳ và đạt 47,89% kế hoạch. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 9,29% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,88% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước tăng 7,64% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2018.
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sự tăng trưởng. Sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 25,55%. Các sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá tốt như: giày da tăng 29,83%, xay xát lau bóng gạo tăng 23,23%, thuốc lá điếu có đầu lọc tăng 17%. Các sản phẩm còn lại cũng có sự tăng trưởng nhưng không cao như: sản phẩm may mặc tăng 8,11%, cát khai thác tăng 7,11%, thức ăn chăn nuôi tăng 6,39%, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 3,18%.
Lĩnh vực thương mại - xuất nhập khẩu, thị trường hàng hóa nội địa khá ổn định, hàng hóa lưu thông rất phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 47.840 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 47,72% kế hoạch.
Đối với thương mại xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm gặp một số khó khăn, nhất là mặt hàng gạo xuất khẩu do Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Châu Phi suy yếu. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 646,5 triệu USD (tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó các sản phẩm ngành may mặc, bánh phồng, bánh kẹo, ngũ cốc đều tăng, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản chế biến ước đạt 121.674 tấn (tương ứng 383,5 triệu USD), tăng 0,91% về sản lượng và tăng 0,92% về giá trị. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, kinh doanh mặt hàng cá tra đã có những nỗ lực vượt bậc, mặc dù còn gặp nhiều rào cản tại thị trường Mỹ và EU. Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu giảm 21,37% so với cùng kỳ, do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam giảm, Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao.
Ngoài ra, trái xoài của Đồng Tháp lần đầu tiên được tham gia vào lô xoài đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa ra thế giới, đồng thời khẳng định sự tiến bộ trong sản xuất trái cây và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Về nhập khẩu hàng hóa, giá hàng nhập khẩu ước đạt 240,7 triệu USD, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 55,24% kế hoạch. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu, chiếm 64,18% tổng giá trị hàng nhập khẩu.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của ngành trong 6 tháng đầu năm vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực còn ít, chưa đa dạng; sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa mạnh; các nước nhập khẩu tiếp tục thực hiện các rào cản kỹ thuật và các chính sách bảo hộ mậu dịch trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu,...
Để khắc phục một số tồn tại, ngành đẩy mạnh các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển của ngành năm 2019. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đây đến cuối năm, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất ngành công nghiệp, phát triển cơ khí của tỉnh, hỗ trợ thay đổi máy móc thiết bị công nghệ. Ngành tiếp tục xây dựng 2 chuỗi ngành hàng đặc trưng, thế mạnh của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc; phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là đối với 5 ngành hàng chủ lực. Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh hoạt động của tổ thông tin và phân tích thị trường nông sản tỉnh Đồng Tháp, tổ tư vấn hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa...
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)