Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu năm 2025

10/02/2025 - 10:25

Năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình xâm nhập mặn, thiên tai, dịch hại diễn biến phức tạp... sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành đạt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Kinh tế biển là một trong 2 mũi nhọn tập trung phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Ảnh: C. Trúc

Trong năm, ngành sẽ tập trung 2 mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển, tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn để phát triển một nền nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ an toàn, truy xuất nguồn gốc, từng bước ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2025 gồm: Cây dừa diện tích 80.795ha, sản lượng 711 triệu trái; cây ăn trái diện tích 23.000ha, sản lượng 283.000 tấn; đàn bò 225.000 con; đàn heo 400.000 con và đàn gia cầm 6.500 ngàn con. Tỷ lệ che phủ rừng 1,79%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 47.230ha; tổng sản lượng thủy sản 565.140 tấn. Bảo đảm tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 85%.

Hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện: Huyện Châu Thành, Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc đạt chuẩn huyện NTM, phấn đấu huyện Bình Đại đạt chuẩn NTM; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Xây dựng NTM cấp xã: Phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xây dựng NTM cấp ấp: Có 60% ấp tại các xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn NTM.

Để thực hiện được các chỉ tiêu, mục tiêu trên, toàn ngành quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và kế hoạch thi đua trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nông nghiệp.

Tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luận số 359-KL/TU, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh, Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao...; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả cao, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của UBND tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và gắn với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản;... tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản.

 Tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời tình hình thời tiết, mưa, bão cho người dân để chủ động sản xuất; hướng dẫn và khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp.

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng mô hình tổ hợp tác an ninh trên biển; tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức của ngành theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh, bảo đảm bộ máy hoạt động đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành trong giai đoạn mới.

Theo Báo Đồng Khởi